MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ xô cho vay tiêu dùng

16-10-2018 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau đang nhảy vào mảng cho vay tiêu dùng được cho là hết sức tiềm năng của Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Công ty Tài chính FE Credit, thuộc Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, vừa được NH Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 7.300 tỉ đồng, gấp 3 lần mức cũ. FE Credit hiện là công ty có thị phần dẫn đầu trong phân khúc cho vay tiêu dùng, đang phục vụ gần 10 triệu khách hàng và hợp tác trên 8.500 đối tác tại hơn 12.200 điểm bán trên toàn quốc.

Xi-măng, điện lực cũng nhảy vào cho vay tiêu dùng

Trong khi đó, Easy Credit là thương hiệu tài chính tiêu dùng của Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) chính thức gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng ngay trong tháng 10 này. Gói vay tiền mặt được Easy Credit giới thiệu đầu tiên nhắm đến những nhóm khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ NH, có thu nhập trung bình hằng tháng từ 4,5 triệu đồng.

Ông Bùi Xuân Dũng, Tổng Giám đốc EVN Finance, cho biết Easy Credit hoạt động theo mô hình công ty tài chính tổng hợp trên nền tảng sẵn có và tận dụng các xu hướng công nghệ… nhằm cung cấp sản phẩm tài chính công nghệ cao tới khách hàng. Để cạnh tranh, công ty sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng từ online đến các kênh liên kết đối tác để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Easy Credit đặt tham vọng đến cuối năm 2020 sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành và có hơn 1 triệu khách hàng.

Đổ xô cho vay tiêu dùng - Ảnh 1.

Cho vay tiêu dùng, mua hàng trả góp đang nở rộ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước Ảnh: Tấn Thạnh


VietCredit cũng là cái tên mới xuất hiện trên thị trường sau khi được NH Nhà nước cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Tài chính CP Xi-măng (liên doanh của 3 cổ đông chiến lược gồm: Tổng Công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank)... Theo lãnh đạo VietCredit, gia nhập thị trường trong bối cảnh đã có nhiều đầu mối khai thác nên công ty sẽ chú trọng đến mảng cho vay tiền mặt.

Trước đó, Công ty Tài chính thuộc NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cũng gia nhập sân chơi này với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, tập trung cho vay tiền mặt với các nhóm khách hàng thu nhập từ 3 triệu đồng. Theo đại diện SHB Finance, các khoản tiền mặt phục vụ nhu cầu của người dân có thu nhập khiêm tốn như cán bộ, nhân viên, công nhân, người kinh doanh nhỏ lẻ… hiện chiếm tới gần 50% nhu cầu vay tiêu dùng nên nhu cầu thị trường rất lớn.

Nhiều NH thương mại như ACB, OCB… cũng đang chuẩn bị lập công ty tài chính. Việc có nhiều "tay chơi" mới bên cạnh những cái tên như Home Credit, FE Credit, HD Saison… cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC), tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam vào khoảng 30%-35%/năm. Số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận qua hệ thống NH, công ty tài chính… mới chỉ chiếm khoảng hơn 30% dân số, cho thấy tiềm năng thị trường rất lớn.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, NH Nhà nước đánh giá thị trường cho vay tiêu dùng bùng nổ góp phần đưa ra các kênh dẫn vốn phù hợp, hiệu quả với khả năng trả nợ của người dân. Cơ quan này cũng đã ban hành nhiều chính sách hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo dư địa cho thị trường và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của công ty tài chính...

Đòi nợ kiểu quấy rối

Theo các chuyên gia, với dân số gần 100 triệu người và số người trong độ tuổi lao động chiếm đến 70%, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn. Khả năng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng tại NH thương mại còn khó khăn nên dư địa cho những công ty tài chính rất màu mỡ.

Hiện thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển với khoảng 16 công ty tài chính nhưng dư nợ mới chiếm gần 12% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng. Trong khi con số này ở Thái Lan là 20%, Indonesia 19% và ở các nước phát triển thường chiếm tới 40%-50%.

Tuy nhiên, mô hình công ty tài chính đang phát triển rất nhanh thời gian qua cũng để lại không ít hệ lụy cho người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý. Một số công ty bị phản ánh đòi nợ kiểu quấy rối, "khủng bố". Nhiều người cho biết bị nhân viên các công ty cho vay tài chính gọi điện, nhắn tin đe dọa dù không vay tiền của các công ty đó. Với những người có vay tiền còn mệt mỏi hơn, khi nhân viên liên tục gọi điện nhắc nợ, đòi nợ có khi lên tới 10 cuộc/ngày, bất kể giờ giấc. Người thân, bạn bè của họ cũng bị quấy rầy.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng hay truyền thông vào cuộc, lãnh đạo các công ty cho vay tiêu dùng đều phủ nhận và cho biết họ không có chủ trương thu hồi nợ kiểu bạo lực mà luôn tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, cam kết xử lý nghiêm khắc những nhân viên nào vi phạm quy tắc, quy định ứng xử với khách hàng.

Tại buổi giới thiệu thương hiệu Easy Credit, một trong những vấn đề đầu tiên được đặt ra với lãnh đạo EVN Finance là liệu công ty có đòi nợ kiểu "khủng bố" như tình trạng đang xảy ra ở một vài công ty tài chính? Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định không. Thay vào đó, thời gian đầu, Easy Credit áp dụng chính sách hoàn lại số tiền lên đến 20% giá trị khoản vay ban đầu khi khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng hạn các kỳ hạn. Điều này sẽ kích thích khách hàng trả nợ đúng hạn và công ty không gặp áp lực đòi nợ.

Về việc nhiều khách hàng phản ánh phương thức đòi nợ chưa đúng của công ty tài chính, ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn - cơ quan thanh tra giám sát NH (thuộc NH Nhà nước), cho biết các chính sách của NH Nhà nước đều quy định rõ các biện pháp đôn đốc, thu nợ với đặc thù của khách hàng. Thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ, không bao gồm biện pháp đe dọa.

Theo chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực, muốn thị trường này phát triển lành mạnh cần phải dẹp ngay tình trạng đòi nợ kiểu "khủng bố", quấy rối hoặc dọa nạt khách hàng. Thực tế, một vài nhân viên, cộng tác viên ở các công ty tài chính được giao nhiệm vụ đi đòi nợ, bị áp lực chỉ tiêu nên đã dùng cách thức "hành hạ" khách hàng để đòi nợ. Do đó, công ty tài chính cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ nhân viên; minh bạch quy trình cho vay, chi phí, lãi suất trước khi ký hợp đồng cho vay...

"Ngoài ra, bản thân khách hàng vay tiêu dùng trước khi ký hợp đồng cũng cần tìm hiểu kỹ quy định, mức lãi suất tính theo tuần, theo tháng, theo năm là bao nhiêu và so sánh để biết mức lãi suất mình vay cao hay thấp. Phải có cả trách nhiệm trả nợ chứ không phải cứ "nhắm mắt" ký vào hợp đồng vay để được giải ngân" - TS Cấn Văn Lực nói.

Đánh đồng cho vay tiêu dùng với bất động sản

Hiện các NH thương mại chiếm tới 88% tổng thị phần tín dụng tiêu dùng. Theo TS Cấn Văn Lực, có con số này do thị phần tín dụng tiêu dùng bao gồm cả cho vay xây, sửa nhà và cho vay mua nhà... Nhiều ý kiến cho rằng cần bóc tách, sòng phẳng giữa cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng, không đánh đồng để giúp lành mạnh hóa thị trường, hệ thống NH thương mại, công ty tài chính hoạt động minh bạch hơn.

Nếu bóc tách sòng phẳng, cho vay tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 10%-12% tổng dư nợ, cho thấy quy mô phân khúc này còn nhỏ bé và cũng nhiều tiềm năng.


Theo THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên