Đổ xô đi chùa, lơ là phòng dịch
Hàng vạn du khách đổ về khu du lịch Tam Chúc, di tích thắng cảnh chùa Hương và một số địa điểm khác, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
- 15-03-2021Hà Nam kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID -19 ở chùa Tam Chúc
- 15-03-2021Hàng vạn du khách đổ về chùa Tam Chúc lớn nhất thế giới
- 14-03-2021"Biển người" chen chân đi lễ chùa Tam Chúc ngày cuối tuần
Tâm lý đám đông
Dịp cuối tuần qua, du khách đổ về khu du lịch Tam Chúc gây tắc nghẽn cục bộ. Dòng người bị ùn ứ ở một số khu vực, thậm chí có những người phải chờ đợi vài giờ mới được di chuyển tới các điểm tham quan trong khuôn viên khu du lịch.
“Đây là biểu hiện chủ quan rất lớn của người dân. Dịch bệnh chưa kết thúc đã đổ xô đến các khu du lịch tâm linh lớn như Bái Đính, Tam Chúc làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Cần nói thêm rằng nhiều người dân đi theo hội chứng đám đông, thấy người ta đi mình cũng đi mà không cần hiểu rõ về các giá trị văn hóa, đáng buồn hơn là sự lơ là phòng, chống dịch bệnh. Đây là hiện tượng không hay, theo tôi cần chấn chỉnh ngay”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nói.
Suốt thời gian cận Tết cho tới hết tháng Giêng, phần lớn người dân ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc buộc phải hạn chế di chuyển. Nhìn nhận việc người dân tập trung đi hội, đi lễ và đi chơi đầu năm đông đúc là điều dễ hiểu, tuy nhiên nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng “mọi người cần có ý thức vệ sinh dịch tễ, không thể bỏ qua các quy định về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý”.
Trước giờ, một số nhà nghiên cứu và không ít người dân đều mong muốn và kỳ vọng những công trình chùa chiền mang giá trị vốn có của nó. Và chính những giá trị đó là lực hấp dẫn thu hút khách thập phương.
Tuy nhiên nhiều người đổ về các khu du lịch tâm linh này với mục đích vãn cảnh là chính chứ không phải nhu cầu hành hương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói: “Đối với tín ngưỡng, một bộ phận người dân thường theo phong trào cho nên có nhiều di tích xứng đáng mang giá trị cổ truyền lại ít được để tâm hơn. Đó là tự do tín ngưỡng của dân, chỉ có điều trong bối cảnh này không thể coi thường nguy cơ bùng phát dịch trở lại”.
Chấn chỉnh
Cũng như Tam Chúc, chùa Hương dịp này đón nhiều khách hành hương và tham quan trong hai ngày đầu mở cửa. Một trong những hiện tượng chung ở nhiều địa điểm công cộng là người dân dần lơi lỏng đeo khẩu trang, sát khuẩn. Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đã xử phạt hai trường hợp không đeo khẩu trang.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam, sau khi nhận tin phản ánh của báo chí đã cử đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Quản lý (BQL) khu du lịch Tam Chúc và nhà chùa nhắc nhở bà con tuân thủ quy định về khẩu trang, giãn cách. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam cho biết, sáng 15/3 lượng khách về Tam Chúc không nhiều như hai hôm trước. Sở cũng đề nghị BQL và nhà chùa xây dựng kịch bản để đón tiếp lượng khách có thể tăng đột biến dịp cuối tuần. Lãnh đạo Sở cũng nêu phương án tuyên truyền tại chỗ để bà con nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc nói lượng khách bất ngờ tăng khiến Tam Chúc quá tải ngày 14/3. So với mức 1 vạn khách mỗi ngày ở dịp Tết, Tam Chúc có tới hơn 5 vạn người đổ dồn vào trưa 14/3 gây ách tắc cục bộ. Nhà chùa cam kết cùng BQL phân luồng, bố trí phương tiện, lập các chốt khai báo y tế. “Nhà chùa và BQL mong du khách thập phương hoan hỉ, nếu sắp xếp được thì đi chùa vào ngày trong tuần sẽ ổn hơn”, Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Trước hiện tượng dân chúng đổ xô đi chùa lơ là phòng dịch mà các địa phương có lúc lại lúng túng trong xử trí, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có công văn nhắc nhở các Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; yêu cầu các Ban Trị sự, các chùa, cơ sở tự viện thực hiện 5K, phối hợp chính quyền địa phương đảm bảo giãn cách, tránh ùn tắc, chen lấn.
Giữ thành quả chống dịch Lãnh đạo Bộ VHTTDL lưu ý UBND các tỉnh, thành phố về hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tập trung đông người, đặc biệt tại di tích, danh lam thắng cảnh và khu du lịch. “Phải đặt yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch lên hàng đầu, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện, giữ vững thành quả chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực đạt mục tiêu kép”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trả lời Tiền Phong.
Tiền phong