Doanh nghiệp bảo hiểm phải chi hoa hồng môi giới 383 tỷ đồng
Thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với tổng tài sản ước đạt 423.400 tỷ đồng...
- 05-06-2019Doanh nghiệp bảo hiểm nội trước cạnh tranh của khối ngoại
- 13-05-2019Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào nền kinh tế 328,7 nghìn tỷ trong 4 tháng
- 06-03-2019Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 26.000 tỷ năm 2018
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phải chi trên 4.200 tỷ đồng phí thu xếp qua môi giới và chi 383 tỷ đồng cho phí hoa hồng môi giới, tăng 4,2% so với năm ngoái.
Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 423.400 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 342.869 tỷ đồng, tăng 26,17%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng, tăng 16%.
Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng, tăng 24,35%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng, tăng 28,8%.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.653 tỷ đồng, tăng 19,61%; phí thu xếp qua môi giới ước đạt 4.215 tỷ đồng; hoa hồng môi giới ước đạt 383 tỷ đồng, tăng 4,2%.
Theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đơn vị này đã trình Bộ cấp 1 giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội cho công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc, thẩm định 3 hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tiếp tục mở thêm chi nhánh, hiện có khoảng 900 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã lưu hành kết luận thanh tra tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kết luận thanh tra tại 3 doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên. Đối với các vụ việc phát sinh đều xử lý theo quy định hoặc báo cáo Lãnh đạo Bộ xử lý theo thẩm quyền.
Được biết, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm đang có 1.300 sản phẩm, trong đó có khoảng 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và khoảng 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.
Vneconomy