Doanh nghiệp càng nhỏ càng khó gặp quan chức
Chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chương trình hỗ trợ…...
- 30-05-2016Doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm thị trường “ngách” để cạnh tranh
- 18-05-2016Hội nhập TPP: Thách thức lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ
“Doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn chỉ cần gọi một cú điện thoại là có thể gặp được lãnh đạo tỉnh ngay, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ có khi chờ cả tháng cũng không gặp được...”
Đó là chia sẻ của ông Châu Minh Nguyện, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai đưa ra tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức từ ngày 9 – 11/6, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khó hiện thực hoá chính sách hỗ trợ
Cũng theo ông Nguyện, chúng ta cứ kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng lãnh đạo, quan chức nhà nước “xa lánh” những doanh nghiệp ít tiền như vậy thì khó hiện thực hóa chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đó cũng là lí do để xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật này cũng là một căn cứ để thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận từ quản lý sang phục vụ, trong đó Nhà nước thành chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh…
Hiện nay chúng ta có tới 97% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong số đó tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ, còn lại đang phải “bươn chải” khá vất vả trong thương trường…
Trước đó, khi đưa ra báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Kinh tế chỉ ra rằng, hiện Việt Nam có 450.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động. Với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra thì sẽ có thêm 550.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
Nếu lấy hệ quy chiếu về quy mô lao động, vốn cũng như đóng góp thuế của các doanh nghiệp thời điểm hiện tại tính để tính cho hơn 550.000 doanh nghiệp sẽ thành lập mới đến năm 2020 thì nay thì sẽ có ít nhất 235.000 tỷ đồng được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hình thành nên một nguồn thuế mới khoảng 429.000 tỷ đồng/năm.
Cũng theo ông Bình, Luật này sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chính sách thuế khi giảm tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng mỗi năm từ giảm chi phí thuế; nâng số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp từ 52.000 doanh nghiệp hiện nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới.
Luật còn giúp mở rộng thị trường và nâng cao cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước trị giá gần 21 tỷ USD; sẽ có khoảng 40.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận thêm ít nhất 397.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và 7.560 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng…
Đặc biệt, khi đánh giá tác động về lợi ích xã hội, ông Bình cho biết Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm mới, trong đó có khoảng 7,5 triệu việc làm mới từ các doanh nghiệp mới thành lập.
Từ đó sẽ tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người, đạt độ bao phủ 85,5% (so với mức 76,5% hiện nay), tăng độ che phủ bảo hiểm xã hội lên 50% lực lượng lao động và tăng độ che phủ bảo hiểm thất nghiệp lên 35%... Tổng thu nhập tăng thêm của người dân sẽ là 32.600 tỷ đồng…
Lo vi phạm các hiệp định thương mại
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến quan ngại việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vi phạm các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, TS.Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh khẳng định, việc hỗ trợ hoàn toàn hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, ở đây là hỗ trợ chứ không phải trợ cấp nên không lo bị kiện bán phá giá…
“Chúng ta quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đến nơi đến chốn. Tôi đã nghiên cứu về chính sách của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì doanh nghiệp cần hỗ trợ không phải vì nó yếu thế mà nhà nước cần xem việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy có 4 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bình Minh, Chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG chia sẻ, tôi đã trực tiếp trò chuyện với nhiều bạn trẻ mới khởi nghiệp, họ cho rằng những hỗ trợ như dự thảo đưa ra là rất tốt nhưng sự quan tâm chính của họ là phải nộp bao nhiêu phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp bi quan cho rằng để nhận được sự hỗ trợ này phải đi lại nhiều lần, thậm chí là chi phí để có được điều đó còn tốn hơn sự hỗ trợ đem lại.
“Luật cũng cần quan tâm đến các quỹ, như trường hợp Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bắc Ninh đã 2 năm nay không hoạt động do chưa thống nhất được với bên ngân hàng. Có một tài sản bảo đảm của doanh nghiệp nhưng ngân hàng cũng muốn giữ và Quỹ bảo lãnh cũng muốn giữ”…, ông Minh lưu ý
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa bổ sung thêm: "Chúng ta chỉ tạo cơ chế cho các cá nhân được quyền tự do kinh doanh, sáng tạo, còn việc hỗ trợ của nhà nước được xác định chỉ là “lực đẩy”, “bệ phóng” để thúc đẩy năng lực phát triển, hội nhập. Đó không phải là nguồn lực mà doanh nghiệp trông chờ vào để hoạt động…".
“Thực tế thì Nhà nước không đủ nguồn lực cả về vật chất và con người để thực hiện việc hỗ trợ cho số lượng lớn đối tượng như và nếu có thì cũng rất dàn trải, không hiệu quả do đó phải “lượng hóa” được nội dung hỗ trợ”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự hỗ trợ ở đây quan trọng nhất là chính sách, là thủ tục hành chính làm sao đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thường có lợi thế lớn trong việc tiếp cận chính sách, tiếp cận sự hỗ trợ từ các nguồn lực Nhà nước. Hỗ trợ vốn cần nhưng không phải là vấn đề quan trọng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ cần môi trường minh bạch, bình đẳng…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhận xét, Luật được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, các chương trình hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước… Việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ và bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Dự kiến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến trong tháng 7/2016 và trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đầu tiên của năm 2017.
VnEconomy