MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cao su lao đao vì cây chết, giá mủ giảm sâu

19-09-2019 - 18:18 PM | Thị trường

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 96.000ha cây cao su, trong đó có 75% diện tích kinh doanh, cho sản lượng 111.000 tấn.

Hơn 12.000ha cao su chết và kém phát triển, hàng loạt doanh nghiệp lao đao vì giá mủ giảm sâu, là vấn đề nổi bật được nêu ra tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về vấn đề phát triển cao su tại tỉnh tại tỉnh, tổ chức sáng nay (19/9).

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 96.000ha cây cao su, trong đó có 75% diện tích kinh doanh, cho sản lượng 111.000 tấn. Trong giai đoạn 2008-2011, tỉnh triển khai dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su và thực tế đã trồng được 25.000ha. Tuy nhiên, hơn 12.000ha trồng trên đất rừng nghèo đã chết hoặc kém phát triển.

Doanh nghiệp cao su lao đao vì cây chết, giá mủ giảm sâu - Ảnh 1.

Hơn 12.000ha cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết và kém phát triển cần được chuyển đổi sang mục tiêu khác.

Đồng thời, việc giá mủ cao su giảm sâu liên tục trong nhiều năm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ phá sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến 43.000 lao động.

Tỉnh Gia Lai đang đề nghị Chính phủ có cơ chế về cơ cấu lại nợ vay để doanh nghiệp tái canh cây cao su. Tỉnh cũng đang xem xét giảm diện tích xuống còn khoảng 88.000ha; kiến nghị trung ương có cơ chế, chính sách để chuyển đổi diện tích 12.000ha sang mục tiêu khác  do cao su ở diện tích này bị chết và kém phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, thị trường cao su khó có những thay đổi lớn trong tương lai gần. Trong khi đó, đang có nhiều đối tượng cây trồng vượt trội về hiệu quả. Bởi vậy, Gia Lai cần rà soát, tái cơ cấu ngành cao su.

Doanh nghiệp cao su lao đao vì cây chết, giá mủ giảm sâu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT, Ban Kinh tế trung ương đề nghị Gia Lai tái cơ cấu ngành cao su.


“Những diện tích cao su trong quá trình tái canh mà có đầy đủ nguồn nước, có điều kiện để phát triển các khu công nghiệp thì cũng đề nghị rà soát lại để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhiều cây trồng hiện nay cho năng, sản lượng, doanh thu trên một ha đạt 400-500 triệu đồng  khi trồng cây ăn trái, rau quả, còn có những ha ví dụ sầu riêng vào thời điểm giá cao đạt tới tỷ rưỡi, hai tỷ. Đấy là những vấn đề phải xem xét và kể cả quy hoạch cho nông thôn mới, đô thị và gắn với xây dựng các khu công nghiệp" - ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, cao su vẫn là cây trồng chủ lực, sản phẩm quốc gia, là cây nông lâm nghiệp lưỡng dụng. Do đó, tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cao su đến 2030; tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất Chính phủ, các bộ ngành xem xét, có chính sách phù hợp. /.

Xuất khẩu cao su trong 6 tháng đạt hơn 841 triệu USD VOV.VN - Xuất khẩu cao su tăng cả về lượng và giá trị, trong 6 tháng năm 2019, cao su xuất khẩu đạt trị giá 841,83 triệu USD.

Theo Công Bắc

VOV

Trở lên trên