Doanh nghiệp cao su tự nhiên ồ ạt báo vượt kế hoạch năm 2017 nhờ giá cao su tăng vọt
Một trong những tác động tích cực đến giá cao su trong thời gian vừa qua là việc Hội đồng cao su Quốc tế 3 bên (ITRC) đồng tình cắt giảm lượng cao su nhằm bình ổn giá.
- 23-10-2017Cao su Tây Ninh (TRC): Ghi nhận 60 tỷ đồng từ thanh lý tài sản, đã vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng
- 20-10-2017Cao su Đà Nẵng (DRC): Ảnh hưởng giá nguyên liệu tăng cao, LNST quý 3/2017 chỉ bằng 30% cùng kỳ
- 18-10-2017Việt Nam xuất siêu hơn 820 triệu USD cao su 9 tháng đầu năm
- 16-10-2017Việt Nam chi 96,1 triệu USD để mua một nửa lượng cao su xuất khẩu của Campuchia
- 11-10-2017Cổ phần hóa Tập đoàn Cao su Việt Nam: Chiếc bánh quá lớn đối với nhà đầu tư nội?
- 10-10-2017Cao su Phước Hòa (PHR): 9 tháng lãi trước thuế 284 tỷ đồng, vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
Từ đầu năm 2016, Hội đồng cao su Quốc tế 3 bên (ITRC) bao gồm 3 thành viên Thái lan, Indonesia và Malaysia đã nhất trí chủ động cắt giảm sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên xuống nhằm nâng giá cao su lên – đã khiến giá cao su phục hồi dần. Cùng với việc giảm xuất khẩu, cả 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng tăng cường tiêu thụ nội địa… bước đầu giúp bình ổn và đẩy giá cao su tăng nhẹ. Theo thống kê, ITRC với 3 thành viên Thái Lan, Indonesia và Malaysia nắm giữ khoảng 70% nguồn cung cao su toàn cầu.
Hưởng lợi từ cơ chế cắt giảm sản lượng, kể từ nửa cuối năm 2016 đến nay giá cao su thiên nhiên phục hồi khá mạnh đã khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trong nước khởi sắc thấy rõ. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp cao su thiên nhiên trên sàn chứng khoán hân hoan báo lãi vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Cao su Phước Hòa (PHR) vừa báo cáo, lượng mủ cao su thành phẩm tiêu thụ được trong 9 tháng đầu năm 2017 lên đến gần 20.628 tấn, với giá bán bình quân 41,44 triệu đồng/tấn, tăng 38,54% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm đạt trên 858 tỷ đồng, mới thực hiện được 65% kế hoạch doanh thu cả năm. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt trên 284 tỷ đồng, đã hoàn thành vượt mức 5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cũng tự tin đặt mục tiêu khai thác vượt sản lượng dự kiến 7.786 tấn mủ quy khô, dự kiến thu mua thêm 4.000 tấn mủ trong quý 4 để tăng nguồn nguyên liệu cho chế biến.
Trên thị trường, giá cổ phiếu PHR cũng đã tăng mạnh, liên tục phá đỉnh. Đỉnh mới lấp được ở mức giá 42.700 đồng/cổ phiếu hôm 11/10 vừa qua và hiện giảm nhẹ uống vùng giá 41.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu PHR trong 1 năm gần đây.
Cũng như Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR) cũng vừa báo cáo kết quả SXKD 9 tháng đầu năm 2017 với doanh thu đạt hơn 577 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế riêng quý 3 đạt trên 58 tỷ đồng, hơn gấp đôi quý 3 năm ngoái. Tổng Lợi nhuận trước thuế thu về trong 9 tháng đầu năm đạt gần 222 tỷ đồng, tăng đến 119% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Trước đó, dựa theo giá bán bình quân 36 triệu đồng/tấn – Cao su Đồng Phú đặt mục tiêu lũy kế cả năm 2017 doanh thu ước đạt 722 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 191 tỷ đồng. Với kết quả đạt được đến thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm, dù mới hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu nhưng Cao su Đồng Phú đã vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ gia phó.
Giá cổ phiếu DPR cũng đã tăng mạnh và hiện giao dịch quanh mức 40.700 đồng/cổ phiếu, đã gần tiệm cận với mức đỉnh đạt được năm 2017.
Một doanh nghiệp cao su thiên nhiên nữa cũng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng là Cao su Tây Ninh (TRC). Doanh thu 9 tháng đạt gần 273 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 106 tỷ đồng, tăng đến 143% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng đột biến từ đầu năm đến nay là do giá cao su thiên nhiên tăng mạnh, giá vốn nguyên liệu bỏ ra thấp. Bên cạnh đó, trong kỳ Cao su Tây Ninh ghi nhận gần 60 tỷ đồng từ thanh lý tài sản vào phần thu nhập khác. Đây là 2 lý do chính khiến lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2017 của công ty tăng mạnh.
Dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng giá cổ phiếu TRC lại đang giao dịch với khá nhiều biến động. Hiện về quanh giá 28.600 đồng/cổ phiếu.
Cao su tân Biên (RTB) chưa cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2017, nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2017, dù doanh thu bán hàng và cung cáp dịch vụ chỉ đạt gần 160 tỷ đồng, nhưng công ty đã báo lãi sau thuế trên 170 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ và vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng.
Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận tăng đột biến không từ kết quả kinh doanh mà từ việc công ty ghi nhận đến gần 169 tỷ đồng thu nhập khác, trong đó có hơn 164 tỷ đồng thu nhập từ việc nhượng bán tài sản, tăng hơn 90 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là nguồn thu từ việc công ty thanh lý hơn 414ha cao su. Vườn cây này nguyên giá chưa đến 10 tỷ đồng và giá bán gần 164,6 tỷ đồng – và giá trị còn lại tại ngày thanh lý chỉ gần 110 triệu đồng. Số lãi từ vườn cây này lên đến hơn 164 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh khả quan, thì giá cổ phiếu RTB lại giảm mạnh, hiện giao dịch quanh vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu trong khi đó hồi cuối năm 2016 có lúc lên đến trên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh thu 9 tháng đầu năm của Cao su Thống Nhất (TNC) chỉ hơn 48,2 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ giá vốn giảm sâu, kết hợp với nguồn thu tài chính - mà chủ yếu là thu lãi tiền gửi lớn, nên lợi nhuận trước thuế thu về 25,27 tỷ đồngm tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này cũng giúp Cao su Thống Nhất hoàn thành và vượt 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Một trong những doanh nghiệp cao su lớn cũng vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 9 tháng đầu năm 2017 là Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo báo cáo, ước tính 9 tháng đầu năm nay, HAGL đạt 3.998 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.188 tỷ đồng, trong đó riêng quý III/2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 166 tỷ đồng.
Trong đó vởi mảng cao su, HAGL cho biết, Công ty đã đưa vào khai thác hơn 11.000 ha, với sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm 10.100 tấn, đạt mức doanh thu 401 tỷ đồng. Mục tiêu trong quý IV/2017, Công ty tăng diện tích khai thác lên trên 12.800 ha với sản lượng kế hoạch đạt 5.500 tấn. Kế hoạch doanh thu đạt 200 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 40 tỷ đồng.
Cao su Hòa Bình (HRC) là một trong số ít doanh nghiệp cao su có kết quả kinh doanh giảm sút trong năm nay. Về doanh thu, 9 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 104 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh hơn, cộng với các loại chi phí bị đội lên cao nên lợi nhuận trước thuế thu về 5,6 tỷ đồng, giảm sút đến 40% so với cùng kỳ năm 2016 và cũng mới chỉ hoàn thành 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Vừa lên sàn từ tháng 5/2017, Cao su Đắk Lắk (DRI) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 với kết quả khả quan hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Riêng doanh thu quý 3 đạt gần 138 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với quý 3 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 21%, lên gần 15,3 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu đạt gần 414 tỷ đồng, tăng đến 66% so với doanh thu đạt được 9 tháng đầu năm ngoái nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu cả năm.
Nhờ giá vốn giảm sâu đã giúp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đến 182 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 56 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tăng, đồng thời phải chi hơn 23 tỷ đồng để xử ký thiệt hại KTNN nên lợi nhuận trước thuế còn hơn 105 tỷ đồng – vẫn tăng rất mạnh so với số lỗ hơn 23,6 tỷ đồng gánh chịu trong 9 tháng đầu năm 2016 và mới hoàn thành 54% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Cao su Đắk Lắk mới đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM từ tháng 5/2017 vừa qua. Ngay khi lên sàn đã bất ngờ có 2 phiên giảm sàn liên tiếp đẩy giá cổ phiếu xuống dưới mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó là 3 phiên tăng trần và hiện giao dịch quanh mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu DRI từ khi lên sàn.
Cao su Bà Rịa (BRR) cũng đã báo cáo kết quả SXKD 9 tháng đầu năm 2017 với doanh thu đạt hơn 266 tỷ đồng, tăng trưởng 150% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 49 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 42 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2016 và đã hoàn thành 85% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Cao su Bà Rịa cũng mới đưa 112,65 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 16/6 vừa qua với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.700 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu BRR có lúc đã tăng mạnh lên mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã giảm mạnh, có lúc về dưới mệnh giá, và hiện giao dịch quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu khớp lệnh trong mỗi phiên không nhiều.
Diễn biến giá cổ phiếu BRR từ khi lên sàn.
Việc 3 nước Malaysia, Thái Lan và Indonesia một lần nữa nhóm họp hồi giữa tháng 9 vừa qua lại thêm một tín hiệu tích cực cho ngàng cao su thiên nhiên. Cả 3 nước đang tích cực thực hiện dự thảo “cao su hóa” con đường kết nối 3 nước bằng các hành động cụ thể để mang lại lợi ích cho khoảng 45.000 hộ trồng cao su tại 3 nước là một dấu hiệu tốt cho các doanh nghiệp cao su. Việc cắt giảm sản lượng sẽ nhằm ngăn chặn đà giảm, giá cao su đã có dấu hiệu tích cực. Tại cuộc họp, 3 nước trên cũng đồng tình cắt giảm 615.000 tấn cao su nhằm ổn định giá.
Hồi giữa tháng 9, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan cho biết Việt Nam sẽ tham gia Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), đại diện cho các nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới nhằm đảm bảo ổn định giá cao su. Nếu cộng thêm Việt Nam, nguồn cung cao su toàn cầu của 4 nước này sẽ đạt khoảng 80%.
Báo cáo ngành Cao su tháng 9 vừa qua cho biết, EU vừa thông báo chính thức về việc đưa cao su tự nhiên vào danh sách “hàng hóa nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng” và nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo nguồn cung an toàn, bền vững và giá cả phải chăng cho ngành sản xuất công nghiệp tại EU. Sự gia nhập của cao su tự nhiên vào danh sách này có thể giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành cao su và thúc đẩy sản xuất cao su tự nhiên, ngoài các nước sản xuất truyền thống.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 955.683 tấn cao su, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 49,2% về giá trị. Ở chiều ngược lại, 9 tháng đầu năm, cả nước chi 802,3 triệu USD để nhập khẩu 392.455 tấn cao su, tăng 29,7% về lượng và tăng 72,8% về giá trị.
Trí Thức Trẻ