Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tụt hậu trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ
Với trình độ công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
- 04-11-2021Thu thuế cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 nhiều hơn số thu 2 tháng trước gộp lại
- 31-10-2021Nới lỏng giãn cách giúp chỉ số sản xuất công nghiệp dần 'hồi sinh'
- 31-10-2021Phục hồi sản xuất công nghiệp theo các nhóm ‘nguy cơ’
Theo Bộ Công Thương , 70% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn… là những nguyên nhân mà các chuyên gia chỉ ra, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mãi vẫn khó tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một thông tin tích cực vừa được Bộ Công Thương đưa ra là Bộ đang xây dựng Dự án Luật phát triển công nghiệp theo Nghị quyết 99 của Chính phủ. Nếu việc này sớm thành hiện thực đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam có một Luật riêng cho ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Đây chắc chắn xe là động lực để ngành công nghiệp hỗ trợ "Made in Vietnam" tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo đánh giá từ Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Vì vậy, với trình độ công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có số ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các doanh nghiệp đầu chuỗi lớn như LG, Samsung…
Theo Bộ Công Thương, 70% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp vượt khó chủ động đổi mới công nghệ
Với dây truyền sản xuất bản mạch điện tử theo công nghệ dán, công nghệ mới nhất hiện nay, Công ty TNHH 4P phải đầu tư hàng chục triệu USD để thay thế dây truyền cũ.
Vì chuyên sản xuất bản mạch điện tử cho tập đoàn LG, nên vài năm một lần doanh nghiệp lại phải đổi mới máy móc công nghệ. Bù lại sản phẩm sản xuất ra được nhiều hơn, đầu ra quy mô lớn, thu hồi vốn nhanh.
Còn với CTCP Công nghiệp JK Việt Nam - chuyên sản xuất các loại linh kiện cho ngành sản ô tô và điện tử, đòi hỏi độ chính xác cao. Để đáp ứng yêu cầu khách hàng, họ thường xuyên cập nhật công nghệ hiện đại nhất như những chiếc máy tiện CNC. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn đào tạo nguồn nhân lực cao, để có thể khai thác hiệu quả các công nghệ hiện đại.
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chưa cao. Đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo được coi là động lực thúc đẩy ngành phát triển bền vững trong thời gian tới.
Kiến nghị để thúc đẩy đổi mới công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Bài toán giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là không có lời giải. Tuy nhiên, sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ phía các cơ quan liên quan về vốn, về công nghệ… để các doanh nghiệp có thể bước đi nhanh hơn trong thời gian tới. Để có thể hiện thực hoá mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP của nước ta sẽ là 25%.
Nhiều kiến nghị đã được các doanh nghiệp đưa ra để thúc đẩy đổi mới công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Tại một buổi đào tạo làm khuôn mẫu - một công nghệ cơ bản của ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến ở trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, học viên chính tại đây là những người lao động tại các doanh nghiệp hỗ trợ. Mỗi năm, trung tâm này có thể hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nâng cao công nghệ, cải thiện năng suất lao động.
"Chúng tôi giúp các doanh nghiệp phối hợp với tập đoàn đa quốc gia, cải thiện năng lực sản suất, tư vấn cho doanh nghiệp về kỹ thuật chuyên sâu…", ông Đỗ Nam Bình - quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay.
Các doanh nghiệp cũng đang đề xuất thành lập thêm các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp của từng vùng có thể nằm trực tiếp tại các tỉnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, để có thể hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn và kịp thời hơn.
Còn theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, muốn đổi mới công nghệ cần nhập khẩu máy móc, nên họ mong muốn được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng.
VTV.VN