MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa lúc Vinfast đang "nóng", một cổ phiếu ngành phụ tùng ô tô xe máy với EPS hàng năm trên 10.000 đồng chuẩn bị chào sàn

Hiện tại, Honda Việt Nam là khách hàng lớn nhất đem lại 70% doanh thu hàng năm cho Nhựa Hà Nội.

Trong những ngày gần đây, thông tin Tập đoàn Vingroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng có thể nói là thông tin nóng nhất trên mọi phương tiện truyền thông. Theo giới thiệu, VINFAST đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Khi câu chuyện ô tô “made in Vietnam” được tỷ phú Phạm Nhật Vượng “viết lại” thì chuyện doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô cũng được nhiều người nhắc đến. Trong lúc đó, một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô xe máy cho các hãng nổi tiếng thế giới như Toyota, Honda… sắp chào sàn chứng khoán vào cuối tuần này, ngày 08/09. Đó là CTCP Nhựa Hà Nội, mã chứng khoán NHH. Nhựa Hà Nội sẽ niêm yết 6,5 triệu cổ phiếu với giá tham chiếu cho ngày chào sàn lên tới 66.000 đồng/cp.

Nhựa Hà Nội sản xuất gì?

Hoạt động chính của Nhựa Hà Nội là sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong bản giới thiệu, công ty cho biết đã cung cấp phụ tùng Ô tô, xe máy cho Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, VMEP; phụ kiện cho sản phẩm điều hòa, máy giặt cho Panasonic, LG, KORG Việt Nam, và xuất khẩu sang Nhật bản, Italia. Bên cạnh đó là các hộp nhựa, pallet công nghiệp cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước; Chế tạo khuôn mẫu cho ngành nhựa.

Trên thực tế, sản phẩm chủ yếu của nhựa Hà Nội là các chi tiết nhựa để lắp ráp xe máy. Tự đánh giá về sản phẩm nhựa cung cấp cho ngành ô tô, công ty cho biết chưa phát triển được nhiều do ảnh hưởng của chính sách thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình hội nhập thế giới đối với ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô nhập khẩu, khiến việc phát triển nội địa hóa của các hãng Toyota, Honda cũng khó khăn.

Hiện tại, Honda Việt Nam là khách hàng lớn nhất đem lại 70% doanh thu hàng năm cho Nhựa Hà Nội. Báo cáo tài chính năm 2016 cho biết, doanh thu của NHH đạt 905,5 tỷ đồng – tăng 4,4% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế là 74,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ lợi nhuận biên gần 9%. Trong khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng thì Honda Việt Nam cũng là khách hàng có khoản phải thu lớn nhất, có giá trị 65 tỷ đồng.

Điều này đặt Nhựa Hà Nội trước rủi ro giảm mạnh doanh thu khi chính sách mua hàng của đối tác Honda thay đổi.

Bên cạnh đó, nguyên liệu nhựa được sử dụng sản xuất sản phẩm phải là nhựa kỹ thuật có tiêu chuẩn cao, phần lớn trong nước chưa sản xuất được. Do đó, công ty đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Một số loại như nhựa PVC (F), uPVC mua của công ty FDI tại Việt Nam. Nguồn nguyên liệu thép cho chế tạo khuôn cũng đều được nhập khẩu từ các thương hiệu lớn như Hitachi, Daido (Nhật Bản), ASSAB (Thụy Điển), THYSEN (Đức). Phụ tùng cho khuôn cũng đều nhập phụ tùng tiêu chuẩn từ các hãng nổi tiếng như Mitsumi (Nhật Bản), YUDO (Hàn Quốc).

Giá 66.000 đồng và triển vọng kém tươi sáng từ năm 2017

CTCP Nhựa Hà Nội (HPC) tiền thân là Xí nghiệp Nhựa Hà Nội trực thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội. Tháng 10/2008 cồng ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 65 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 81,71% vốn điều lệ. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cũng vẫn duy trì ở mức 81,71%.

Vào cuối tháng 12/2007, Nhựa Hà Nội đã tiến hành IPO hơn 1,12 triệu cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng với giá chào bán 10.300 đồng/cổ phiếu. Tuy lượng cổ phiếu chào bán thành công chỉ 834.800 cổ phiếu – nhưng giá đấu thành công bình quân cũng đạt 27.958 đồng/cổ phiếu – gần gấp 3 lần giá khởi điểm.

Dù vốn điều lệ chỉ 65 tỷ đồng, lợi nhuận 2 năm gần nhất của Nhựa Hà Nội đều đạt trên 60 tỷ đồng và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm 2015, 2016 đạt lần lượt là 12.509 đồng và 11.418 đồng. Tính đến cuối năm 2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 163 tỷ đồng. Công ty thường trả cổ tức đều đặn 30%/năm bằng tiền mặt.

Mức giá 66.000 đồng chào sàn có lẽ được định giá dựa trên con số EPS của năm 2016, tuy nhiên triển vọng phát triển của Nhựa Hà Nội – như doanh nghiệp tự đánh giá – có phần không tươi sáng.

Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2017 là 850 tỷ đồng – giảm 6% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế là 44 tỷ đồng – giảm mạnh do không còn 8 tỷ lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản như năm trước. Nhựa Hà Nội cũng đánh giá rằng tình hình cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang dịch chuyển mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do chính sách giá cả của Trung Quốc biến động tăng, song lại ép doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng giá rẻ như mục tiêu trước đây của họ tại Trung Quốc.

Đặc biệt, các khách hàng và đối tác Honda Việt Nam yêu cầu giảm giá sâu, và tiếp tục thêm chính sách chuyển đổi loại nhựa giá thấp nhằm giả 32% giá linh kiện nhựa cho các model chính bán chạy để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Điều này sẽ làm giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty từ năm 2017 đến các năm tiếp theo.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên