Doanh nghiệp dầu khí nào có thể hưởng lợi từ “siêu mỏ” Kèn Bầu có trữ lượng lớn nhất vừa được phát hiện?
Theo đánh giá của CTCK KB Việt Nam (KBSV), Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS) là lựa chọn hàng đầu của ngành và sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng gia tăng từ mỏ Kèn Bầu do vai trò độc tôn trong việc phân phối khí tại Việt Nam.
Mới đây, công ty Eni của Ý đã phát hiện ra mỏ khí mới có tên là Kèn Bầu với trữ lượng sơ bộ là 230 tỷ mét khối khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ condensate. Eni ước tính có thể đi vào khai thác từ năm 2028.
Mỏ khí Kèn Bầu nằm tại khu vực Lô 114 của bể Sông Hồng bờ biển phía Đông Bắc. Với sản lượng tiềm năng 230 tỷ mét khối khí, mỏ Kèn Bầu có thể trở thành một siêu dự án tiếp theo cùng với hai dự án đang bị trì hoãn, bao gồm Cá Voi Xanh 150 tỷ mét khối và Lô B 176 tỷ mét khối.
Khi được đưa vào khai thác, mỏ Kèn Bầu được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới hoạt động các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.
Theo đánh giá của CTCK KB Việt Nam (KBSV), Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS) là lựa chọn hàng đầu của ngành và sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng gia tăng từ mỏ Kèn Bầu do vai trò độc tôn trong việc phân phối khí tại Việt Nam.
KBSV cũng cho rằng các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí như PTSC (PVS) và PVD cũng có thể nhận được các hợp đồng xây dựng EPC hay khai thác từ dự án mới trên nhưng việc cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến biên lợi nhuận suy giảm trong thời gian gần đặc biệt là nửa cuối năm 2020.
Dù vậy, KBSV đánh giá mỏ Kèn Bầu có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư LNG và khiến thị trường dư cung. Tuy nhiên, với sự chậm trễ của các dự án như Cá Voi Xanh và Lô B sẽ khiến rủi ro dư cung trong tầm kiểm soát.
Đánh giá chung về ngành dầu khí Việt Nam lúc này, KBSV đưa ra quan điểm trung lập do việc khai thác mỏ Kèn Bầu chưa chính thức bắt đầu cho đến năm 2028 và khó có khả năng vượt qua những yếu tố tiêu cực ngắn hạn của giá dầu cho những công ty khai thác thượng nguồn.