Doanh nghiệp dệt may “bí” đơn hàng
Thời gian gần đây hàng loạt khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ và EU.
- 01-07-2016Dệt may “ngấm đòn”
- 30-06-2016Ngành dệt may phải cấu trúc lại sản xuất
- 29-06-2016Ngành dệt may bị ảnh hưởng trực tiếp khi Anh rời EU
Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD, tuy nhiên các chuyên gia trong ngành e ngại mục tiêu trên có như mọng đợi khi từ đầu năm tới nay, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng và giá xuất khẩu sụt giảm.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, những tháng đầu năm 2016, đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, đặc biệt đơn hàng giảm trong quý I và đầu quý II. Một số doanh nghiệp dệt may lớn thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam - được xem như cánh chim đầu đàn của ngành cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Ngay cả các công ty may lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, hay May 10 cũng không ngoại lệ và để ổn định cho công nhân có việc làm từ nay đến cuối năm là cả một vấn đề đối với doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Khang, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Đông Bình cho biết, do đơn hàng dệt may không dồi dào nên doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau. 5 tháng đầu năm nay, lượng đơn hàng của công ty chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân đơn hàng giảm theo ông Khang do lượng hàng tồn nhiều, sức tiêu dùng các nước giảm. Trong khi giá xuất khẩu gần như không tăng, thậm chí có xu hướng giảm từ 10-15%, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm để tính đủ khấu hao và đủ lương cho lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải gánh hàng loạt chi phí đầu vào tăng từ lương tối thiểu, các khoản bảo hiểm, phí vận chuyển….
Đại diện lãnh đạo một Tổng công ty may lớn tại Hà Nội cho biết, kết quả kinh doanh năm nay của doanh nghiệp sẽ có sự biến động lớn do đơn hàng xuất khẩu và giá đều có xu hướng giảm.
Điều này khiến doanh nghiệp chật vật hơn rất nhiều, họ phải thỏa thuận với đối tác về thời gian giao hàng cũng như giá đơn hàng để đảm bảo việc làm cho công nhân.
Còn theo ông Phí Việt Trịnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm, đơn hàng những tháng đầu năm có giảm, giảm mạnh vào các tháng 3-4 do thời gian đầu năm là giao vụ.
Nhưng đến nay đã là tháng 6 đang là chính vụ của ngành nên đơn hàng dệt may đã về nhiều hơn, may Hồ Gươm đã có đủ đơn hàng cho hết quý III. Dự kiến năm nay, May Hồ Gươm vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 triệu USD nhưng sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam hiện đóng góp khoảng 4 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may hàng năm, thừa nhận năm 2016, dù một số hiệp định thương mại đã đàm phán xong, nhưng chưa xác định rõ thời gian hiệu lực, nên xuất khẩu sẽ chưa có nhiều biến động lớn.
Các nhà nhập khẩu vẫn sẽ tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành trong năm nay dự báo chỉ đạt 29,5 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, thời gian gần đây hàng loạt khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Không chỉ Myanmar, Lào đang hút đơn hàng dệt may của Việt Nam mà cả Campuchia cũng vượt Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc vào EU (một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam).
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn.
Bởi một thực tế, khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Cụ thể, Campuchia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%.
Trong khi đó, thuế suất hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%. Lộ trình để được hưởng thuế về 0% với cả TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), không có gì thay đổi, phải giữa năm 2018 hai hiệp định này mới có hiệu lực. Với lợi thế về thuế suất vào khu vực thị trường lớn như Mỹ, EU thì đơn hàng đổ về các nước này có xu hướng gia tăng là điều dễ hiểu.
Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận các doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng áo sơ mi, quần, jacket.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá, nhưng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Để tăng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng, đồng thời để tận dụng được một số lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải tập trung vào rất nhiều khâu; trong đó, khâu đột phá là làm thế nào để tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ từ xơ sợi trở đi phù hợp quy định của TPP và từ vải trở đi theo quy định của FTA Việt Nam – EU.
Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu, cơ cấu lại ngành dệt may.
Các doanh nghiệp dệt may cùng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian.
Đặc biệt mới đây, để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may, Vitas đã kiến nghị Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ năm 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng như kiểm tra hàm lượng formaldehyt (các công đoạn kiểm dịch không cần thiết đối với các lô hàng nhập khẩu vải để làm mẫu có trị giá thấp, số lượng ít)…/.
Bnews/TTXVN