Doanh nghiệp địa ốc đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2020 dù thị trường dự báo khó khăn
Kế hoạch lợi nhuận năm 2020 của Nhà Từ Liêm gấp 3,5 lần, DIG tăng 55%, An Gia tăng 50%, TTC Land tăng 15 - 25%... Những chỉ tiêu này dựa trên những dự án được triển khai, có đầy đủ pháp lý và sẵn sàng được hạch toán.
- 22-01-2020BĐS Phát Đạt (PDR): Năm 2019 lãi ròng 872 tỷ, 9 lần phát hành trái phiếu với dư nợ sổ sách hơn 1.500 tỷ đồng
- 21-01-2020Nam Long (NLG): Quý 4 bất ngờ báo lãi tới 560 tỷ đồng cao gấp 4 lần cùng kỳ
Thị trường BĐS có thể tiếp tục khó khăn
Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua gặp khó khăn bởi việc thắt chặt nguồn cung do trì trệ pháp lý, quỹ đất nội thành tại 2 thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP HCM cạn kiệt dần. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư ra thị trường vùng ven, tại các tỉnh, thành lân cận.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng nhận định, nguồn cung 2020 có thể giảm ở một số phân khúc do cung cầu hoặc không có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án BĐS, nhất là tại Hà Nội và TP HCM. Thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, tình trạng sốt nóng cục bộ xảy ra tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Thị trường BĐS năm 2020 được dự báo tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Báo cáo phân tích từ nhiều công ty chứng khoán cũng tỏ ra e ngại với sự phát triển chung của thị trường BĐS trong năm 2020. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế nhưng được cải thiện hơn so với 2019 nhờ nới lỏng các điều kiện pháp lý. Nhiều chủ đầu tư đang dần chuyển trọng tâm sang các thị trường lân cận để nắm bắt xu thế cải thiện các dự án hạ tầng, bù đắp sự thiếu hụt. Việc thắt chặt tín dụng cho vay BĐS sẽ có chút tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.
Bản thân doanh nghiệp, như Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – HoSE: SCR ) lại có cái nhìn lạc quan hơn. TTC Land - doanh nghiệp có dự án ở cả 3 dòng sản phẩm: dân dụng, công nghiệp và thương mại - cho rằng năm 2020, nhờ vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS kỳ vọng sẽ được khai thông, những vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, kế hoạch phát triển dự án cũng như kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS sẽ tích cực hơn.
Theo TTC Land, nhìn chung năm 2020 vẫn còn nhiều thử thách nhưng cũng có cơ hội bởi nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị như Hà Nội và TP HCM vẫn rất lớn, dư địa phát triển của các phân khúc dân dụng, du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp vẫn còn cao. Bên cạnh đó, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng mạnh cũng là một trong những cơ hội cho thị trường.
Những con số tăng trưởng
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau đều đưa ra một kịch bản kinh doanh khả quan dựa trên những dự án được triển khai, có đầy đủ pháp lý.
Một doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội là CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, HoSE: NTL ) đặt kế hoạch 2020 với doanh thu 1.050 tỷ đồng, tăng 46% kế hoạch năm trước. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh nhà vườn tại dự án Khu đô thị Lideco Hoài Đức khoảng 690 tỷ đồng, chiếm 66%. Doanh thu từ dự án Khu đô thị tại các phường thuộc TP Hạ Long, Quảng Ninh khoảng 360 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 450 tỷ đồng, gấp 3,5 lần kế hoạch năm trước.
Doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM là Nam Long ( HoSE: NLG ) cho biết xây dựng kế hoạch tăng trưởng 10 - 15%, dự kiến sẽ có khoảng 2.700 sản phẩm được tung ra thị trường từ các dự án đang triển khai như khu đô thị Waterpoint (Long An), Mizuki Park (TP HCM), Akari City (TP HCM) và từ quỹ đất mới như Nam Long Hải Phòng.
Dự án Mizuki Park của Nam Long dần đi vào hoàn thiện. Ảnh chụp tiến độ ngày 17/12/2019. |
TTC Land dự kiến năm 2020, lợi nhuận trước thuế tăng 15 - 25%; doanh thu đến từ việc bàn giao các sản phẩm dân dụng, dòng tiền thu được từ vận hành khai thác BĐS thương mại - khách sạn và tái cơ cấu danh mục đầu tư. Năm 2020, BĐS dân dụng vẫn sẽ là loại hình sản phẩm chủ lực với 7 dự án dự kiến được giới thiệu ra thị trường sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục pháp lý (6 dự án ở TP HCM, 1 ở Đà Nẵng).
Công ty BĐS phân khúc nhà ở tầm trung An Gia (HoSE: AGG) dự kiến bán các dự án đã ra mắt như Westgate (TP HCM), đồng thời mở bán các dự án mới và một số dự án khác đang trong quá trình ký kết. Mục tiêu doanh thu 2020 ghi nhận đạt 2.600 tỷ đồng và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng, tăng lần lượt 624% và 50% so với năm trước.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng ( HoSE: DIG ) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, tăng 55% năm trước. Lợi nhuận sẽ đến từ 3 dự án chủ yếu, gồm tổ hợp chung cư Vũng Tàu Gateway – trung tâm Chí Linh (gần 600 tỷ đồng), khu phức hợp CSJ giai đoạn 1 – TP Vũng tàu (hơn 200 tỷ đồng) và một phần dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – Phân khu 1 và 2. Ngoài ra, ban điều hành cũng đang tìm kiếm tư vấn để thoái vốn tại Pullman Vũng Tàu và Hotel Landmark Vũng Tàu, kỳ vọng hoàn tất trong năm 2020.
DIG có định hướng tập trung vào BĐS đô thị phân khúc trung bình với lợi thế quỹ đất lớn ở trung tâm các đô thị cấp 2. Với các dự án nghỉ dưỡng, công ty chỉ tham gia một cách chọn lọc để tạo nền tảng phát triển dài hạn.
NDH