Doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chây ì nợ mua vật liêu xây dựng?
Khu vực gần dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận liên tục xuất hiện nhóm người căng băng rôn với nội dung “Yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả, BOT Trung Lương-Mỹ Thuận thanh toán tiền vật liệu làm đường. Ảnh TC
Việc một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận căng băng rôn, khẩu hiệu, kiện cáo đòi nợ Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là thông tin không vui bên lề sự kiện tuyến cao tốc này chuẩn bị đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Những ngày qua, khu vực gần dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận liên tục xuất hiện nhóm người căng băngrôn với nội dung: “Yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả, BOT Trung Lương-Mỹ Thuận thanh toán tiền vật liệu làm đường cao tốc 13 tỷ 533 triệu đồng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và vận tải Nguyễn Vinh (Công ty Nguyễn Vinh)” hay “Đường làm xong, nợ không trả kéo dài 19 tháng, Tập đoàn Đèo Cả, BOT Trung Lương-Mỹ Thuận không thanh toán”.
Ngày 21/1/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An (gọi tắt là Công ty Tây An) đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xác nhận công nợ giữa Công ty Tây An và Công ty Nguyễn Vinh (đơn vị cung cấp vật liệu cây dựng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận).
Theo đó, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Tây An khẳng định Tập đoàn Đèo Cả và doanh nghiệp dự án (DNDA) không liên quan đến công nợ nói trên, đối với khối lượng thực hiện của Tây An, DNDA và Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành việc thanh toán cho Tây An theo hợp đồng.
Ông Trần Minh Tuấn cho rằng việc Công ty Nguyễn Vinh tổ chức căng băng rôn, khẩu hiệu, kiện cáo đòi nợ Tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đối với công nợ giữa Nguyễn Vinh và Tây An đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tập đoàn Đèo Cả.
Liên quan đến sự việc này, ngày 23/1, đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sự việc xuất phát từ ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Công ty Tây An và Công ty Nguyễn Vinh. Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ khẳng định đây là vụ việc hợp tác kinh doanh giữa 2 công ty này, vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp dự án và Tập đoàn Đèo Cả.
“Từ khi có sự tranh chấp giữa Công ty Tây An và công ty Nguyễn Vinh, DNDA đã cho rà soát, kiểm tra các hồ sơ công nợ của các bên trình lên. Việc nợ nần này hoàn toàn không liên quan đến DNDA và Tập đoàn Đèo Cả vì chúng tôi đã thanh toán đầy đủ cho nhà thầu Tây An. Thời gian qua, Công ty Nguyễn Vinh đã gửi văn bản đi khắp nơi, tổ chức gây rối và có những hành động gây ảnh hưởng đến DNDA và Tập đoàn Đèo Cả, có dấu hiệu kích động, vi phạm pháp luật. DNDA sẽ làm việc giữa các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm và yêu cầu Công ty Nguyễn Vinh cung cấp các chứng cứ chứng xác thực các nội dung khiếu nại để xem xét. Công ty Nguyễn Vinh phải chứng minh cho được việc Đèo Cả có nợ hay không nợ, nếu không bên Đèo Cả sẽ đề xuất cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi, uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp”, đại diện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Nguyễn Vinh cho biết, khi tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị chậm vì thiếu vật liệu, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức cuộc họp vào ngày 14/4/2020 với tất cả các nhà cung cấp vật tư, nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ.
Tại cuộc họp này đại diện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có cam kết sẽ thanh toán tiền mua vật liệu xây dựng cho nhà thầu chính đúng tiến độ để nhà thầu chính thanh toán trực tiếp cho các nhà cung cấp, thay vì phải qua nhà thầu phụ là Công ty Tây An.
Sau cuộc họp nêu trên, các đơn vị cung cấp mới tăng cung cấp vật tư cho các gói thầu để đảm bảo tiến độ dự án. Cũng vì vậy nên mới xảy ra số tiền nợ còn lại lên đến hơn 13,53 tỷ đồng và kéo dài nhiều tháng nay mà Công ty Nguyễn Vinh chưa được thanh toán. Do đó phía Công ty Nguyễn Vinh yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả, DNDA phải có trách nhiệm đôn đốc Công ty Tây An thanh toán nợ cho Công ty Nguyễn Vinh.
Đại diện Công ty Nguyễn Vinh cũng cho biết vừa gửi đơn tố cáo đến ngành chức năng về hành vi chiếm dụng tài sản của doanh nghiệp liên quan đến dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào khai thác tạm từ 0 giờ 00 phút ngày 25/1 đến 10/2. Ảnh An Hòa
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư kết nối cao tốc Trung Lương - TP.HCM tại nút giao Thân Cửu Nghĩa đến nút giao An Thái Trung, với chiều dài 51,5km. UBND tỉnh Tiền Giang được giao là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuyến chính đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có bề rộng nền 17m, gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa; có bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp (5 điểm bên trái tuyến và 6 điểm bên phải tuyến) cách quãng, bố trí so le nhau khoảng cách từ 4km đến 5,3km. Toàn dự án có 56 cầu và 4 nút giao liên thông.
Hiện nay, các hạng mục trên tuyến chính như: Phần đường, cầu, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống vạch sơn biển báo, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh ITS… đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, Còn lại 2 nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, một số cầu vượt và một số đường gom trên tuyến chưa hoàn thành.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có bề rộng nền 17m, gồm 04 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa; có bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp. Ảnh An Hòa
Ngày 19/1/2022, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Buổi lễ vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong đoàn công tác tham dự, cắt băng thông xe kỹ thuật. Với mục tiêu phục vụ cho lưu thông hàng hoá và người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2022 trên QL1; đồng thời, tiết giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, khắc phục tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Nhà đầu tư