Doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần hỗ trợ phục hồi
Theo VCCI (2021) ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng với doanh thu của ngành ước tính giảm 13% so với năm trước (năm 2019 tăng 9,8%). Trong lúc này, doanh nghiệp mong chờ giải pháp hỗ trợ tổng thể, trong đó có ổn định chi phí đầu vào.
Doanh nghiệp, cửa hàng cần phục hồi sau 2 năm "cực khổ"
Liên tiếp trong nhiều báo cáo quý được công bố trong hai năm 2020, 2021, các tổ chức nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE đều nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch, lưu trú và dịch vụ ăn uống F&B của Việt Nam.
Theo thống kê của CBRE, tại thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội, do nhiều khách sạn thực hiện giãn cách xã hội nên phải hoạt động với một phần nhỏ công suất khả dụng. Trong quý III/2021, giá phòng bình quân đạt 94,4 USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm tới 16,4% so với năm 2019. Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm 3% so với cùng kỳ 2020 và giảm 54,7% so với cùng kỳ 2019. Vì vậy, RevPAR chỉ đạt 24,7 USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm tới 72,9% so với cùng kỳ 2019.
Còn theo thống kê của Tổng cục Du lịch, nếu như năm 2019 (chưa xảy ra Covid-19), tổng thu từ khách du lịch 755.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ còn 312.00, giảm 58,7% so với năm trước đó, năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.
Giới chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, để phục hồi ngành du lịch, khách sạn và F&B cần có những chính sách tổng thể, trong đó việc ổn định các chi phí đầu vào được đặt ra cấp thiết. Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, những diễn biến khó lường về biến chủng mới, các biện pháp chống dịch từ Trung Quốc, nguy cơ lạm phát toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine kéo dài…
Do đó, muốn kinh tế tăng trưởng như mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đề ra thì cần phải có những biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ổn định chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Nỗi lo tăng áp lực chi phí đầu vào
Trao đổi với PV, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam tỏ ra lo ngại trước thông tin xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.
Tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1 vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo một luật sửa 8 luật, trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu.
"Ngành khách sạn và dịch vụ F&B tiêu thụ khối lượng đồ uống rất lớn. Có những khách sạn chiếm khoảng 50% tổng doanh thu là đồ ăn, đồ uống", bà Xoan lo ngại việc tăng thuế khiến giá cả tăng cao, gây áp lực cho chi phí đầu vào.
Trong khi đó, ngành khách sạn, du lịch vốn đã "thấm đòn" trong suốt 2 năm vừa qua khi dịch bệnh diễn ra phức tạp. "Nhiều khách sạn, khu lưu trú còn phải đóng cửa, duy trì cầm chừng bởi lượng khách trước đây chủ yếu là quốc tế. Khi không có khách, đóng cửa thì đồ uống sao bán được, bán cho ai", bà Xoan nói.
Theo nhìn nhận của Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, để phục hồi ngành du lịch thì phải có những chính sách tổng thể, hỗ trợ với nhiều giải pháp. Nếu tăng thuế đối với đồ uống thì theo vị này, ngành đồ uống và ngành khách sạn, F&B đều bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. "Giá cao thì phân phối cho khách sạn cao, giá cao không bán được thì sẽ ảnh hưởng cả khách sạn lẫn ngành đồ uống", bà Xoan lo ngại.
Không chỉ có ngành khách sạn, du lịch, nhiều doanh nghiệp dịch vụ F&B tỏ ra lo lắng trước thông tin tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn. F&B vốn là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, ngành hàng này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng trong tình hình mới.
Theo một chủ doanh nghiệp F&B, việc tăng chi phí đầu vào sẽ tạo thêm gánh nặng cản trở phục hồi hoạt động. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là sự ổn định và các hỗ trợ nhằm giảm bớt tác động từ dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh.