MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Đức đau đầu vì bài toán hóc búa: Rời Nga dễ như trở bàn tay, bỏ Trung Quốc thì khó muôn ngàn khó

09-07-2023 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Theo The New York Times, các thương hiệu lớn của Đức khẳng định, rất khó để tách rời Trung Quốc bởi thị trường này quá quan trọng.

Doanh nghiệp Đức đau đầu vì bài toán hóc búa: Rời Nga dễ như trở bàn tay, bỏ Trung Quốc thì khó muôn ngàn khó - Ảnh 1.

Trong đống đổ nát ở thành phố bị tàn phá bởi Thế chiến II, ông nội của ông Karl Haeusgen đã phát minh ra máy bơm thủy lực mà ông tự hào đến mức đã thành lập công ty để kinh doanh.

Vào thời điểm đó, công ty không có dự báo doanh thu, không có chiến lược tăng trưởng 5 năm mà kế hoạch chính là tồn tại: " Công ty được thành lập chỉ để tận dụng cơ hội ", ông Haeusgen nói.

Sau 70 năm và ba thế hệ, doanh nghiệp gia đình Hawe Hydraulics đã bán gần 2.500 linh kiện trên toàn thế giới nhưng những gì mà ông Haeusgen suy tính hiện nay không chỉ là chiến lược bán hàng mà còn là mối quan hệ giữa các quốc gia.

Ông cho biết, 1/3 công việc kinh doanh của công ty, nếu không muốn nói là nhiều hơn, phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau như thế nào bởi những khách hàng lớn nhất của họ đều ở Trung Quốc và Bắc Mỹ.

Có thể dễ dàng rời khỏi Nga

Theo một số nghiên cứu, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp phần lớn sản lượng kinh tế của Đức. Họ sử dụng 60% lao động của Đức và chiếm 99% khu vực tư nhân của Đức, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp hóa nào trên thế giới.

Mathias Bianchi, phát ngôn viên của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức cho biết: "Mô hình kinh doanh của Đức, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ, làm rất tốt một việc: Hoàn thiện một sản phẩm một cách chậm rãi nhưng đều đặn. Vì mô hình này đã hoạt động thành công trong nhiều năm nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần phải thích nghi với sự thay đổi. Nhưng giờ đây, họ cần phải thích nghi với thực tế kinh tế mới".

Bởi mô hình trụ cột dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga và thị trường tiêu dùng rộng lớn Trung Quốc đang biến mất.

Xung đột Ukraine đã buộc Đức phải giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, vốn cung cấp điện giá rẻ cho ngành công nghiệp của nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược hướng tới tự lực, có nghĩa là một thị trường từng dường như là nguồn tăng trưởng bất tận với Đức thì nay không chỉ kém an toàn hơn mà còn trở thành đối thủ.

Một cuộc khảo sát của công ty phân tích Kantar công bố mới đây cho thấy: Hơn một nửa số công ty được khảo sát không muốn mở rộng ở Đức và 25% đang cân nhắc chuyển đi nơi khác.

Ngay cả đối với một công ty như Hawe Hydraulics, tốc độ thay đổi cũng rất đáng kinh ngạc.

Ngày thứ 2 sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Hawe Hydraulics quyết định ngừng kinh doanh ở Nga. Đó là một quyết định dễ dàng thực hiện vì Nga không phải là một thị trường lớn.

Doanh nghiệp Đức đau đầu vì bài toán hóc búa: Rời Nga dễ như trở bàn tay, bỏ Trung Quốc thì khó muôn ngàn khó - Ảnh 2.

Ông Haeusgen rất khó để tách rời Trung Quốc. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, Haeusgen cho biết, động thái này dù sao vẫn là một cú sốc.

Marita Riesner, nhân viên của Hawe Hydraulics, cho biết hóa đơn sưởi ấm của cô đã tăng từ 120 euro/tháng lên 740 euro. Cô và những người hàng xóm bắt đầu tự trồng rau để đối phó lạm phát.

" Tôi từng có cái nhìn rất tích cực về mọi thứ ", cô nói. " Nhưng gần đây, tôi thấy hình như có rất nhiều chuyện không ổn ".

Nhưng khó tách rời Trung Quốc

Ông Haeusgen cho biết, nếu hoạt động của công ty ở Trung Quốc bị gián đoạn, hậu quả có thể buộc ông phải giảm hơn nửa cơ hội việc làm ở Kaufbeuren. Hiện tại 20% hoạt động kinh doanh của công tý đến từ Trung Quốc.

Một số nhà hoạch định chính sách Đức đang lo ngại rằng bất cứ sự kiện địa chính trị bất ngờ nào liên quan Trung Quốc cũng sẽ gây ra thảm họa không thể tránh khỏi cho nền kinh tế Đức.

Chính phủ Đức hiện đang thúc đẩy "giảm thiểu rủi ro" và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho thương mại Trung Quốc.

Nhưng các thương hiệu lớn như Volkswagen và BASF khẳng định rất khó từ bỏ Trung Quốc vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quá quan trọng. Đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Đức đã tăng 20% trong năm nay.

"Tôi không thể nhìn thấy những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc", Holger Rebe, một quản lý của Hawe Hydraulics cho biết.

Giới chức Đức cho biết, chiến lược của họ là duy trì quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ cân bằng ảnh hưởng của nước này bằng cách tăng cường quan hệ với các nước khác như Ấn Độ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức cũng đang làm như vậy: Hawe Hydraulics đang đầu tư mạnh vào Ấn Độ với kế hoạch xây dựng một nhà máy mới và những doanh nghiệp khác đang tìm đến Bắc Mỹ.

"Hầu hết doanh số bán hàng của chúng tôi trong quá khứ đến từ ba khách hàng ở Trung Quốc" , Markus Schuster, một quản lý của Hawe Hydraulics cho biết. "Bây giờ chúng tôi có rất nhiều khách hàng nhỏ phân bố trên toàn cầu".

Tuy nhiên, ông Haeusgen tin rằng thương mại với Trung Quốc vẫn sẽ là trụ cột của nền kinh tế Đức. Ông sẽ tiếp tục đến Trung Quốc để đàm phán về những khác biệt trong kinh doanh.

Theo An An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên