Doanh nghiệp Đức rất quan tâm tới Việt Nam
Với tiêu đề "Việt Nam là tâm điểm của các công ty Đức", trang tin NTV của Đức ngày 14/9 đăng bài viết và một Podcast về Việt Nam cũng như sự hấp dẫn của thị trường quốc gia Đông Nam Á này đối với các doanh nghiệp Đức.
- 16-09-2023Thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam
- 16-09-2023Những chủ nhân của 11 biển số ô tô "siêu đẹp" vừa trúng đấu giá bao giờ phải nộp tiền?
- 16-09-2023Tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, xuất khẩu thuỷ sản trên một tỷ USD
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn bài báo cho biết, người dân Việt Nam được giáo dục, có định hướng tương lai và sẵn sàng đổi mới. Cùng với lối nghĩ và hành động một cách thực tế, những điều này đã tạo cơ sở cho sự bùng nổ kinh tế của đất nước. Theo bài báo, Việt Nam từ lâu đã nổi lên không chỉ với những mặt hàng như giày dép, dệt may, cà phê và hạt tiêu, quốc gia Đông Nam Á này luôn sẵn sàng đổi mới và tiếp thu những công nghệ mới. Do vậy, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã nổi tiếng là một địa điểm sản xuất hàng điện tử.
Ở chiều ngược lại, hàng hoá, máy móc "Made in Germany" (sản xuất ở Đức) cũng rất được ưa chuộng ở Việt Nam xét về khía cạnh chất lượng sản phẩm, giống như ô tô và các sản phẩm hóa chất mà Đức có thế mạnh. Đức hiện có khoảng 350 công ty có văn phòng và cơ sở tại Việt Nam. Kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt khoảng 18 tỷ euro, trong đó nhập khẩu của Đức từ Việt Nam đạt mức 14,7 tỷ euro. Với kim ngạch như vậy, Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam là đối tác lớn nhất của Đức trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Ludwig Graf Westarp - Trưởng đại diện về Việt Nam của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên bang Đức (BVMW) - nhận định về những tiềm năng to lớn của Việt Nam với các công ty Đức, nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội phát triển với thị trường hết sức sôi động. Trong những năm qua, nước này đã đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng và sân bay. Việt Nam cũng đang mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó cần có không chỉ kinh nghiệm mà cả công nghệ của Đức.
Theo NTV, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Quốc gia Đông Nam Á này không chỉ có dân số trẻ, sẵn sàng học hỏi mà còn có nền chính trị ổn định. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam giống như hầu hết các nước trên thế giới, song khi nhìn về phía trước, các chuyên gia vẫn rất lạc quan về nền kinh tế này. Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã giúp các công ty Đức dễ dàng tìm được chỗ đứng hơn ở Việt Nam. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam tạo ra sức mua lớn với nhu cầu cao về các sản phẩm được sản xuất tại Đức. Điều này tạo nên một thị trường bán hàng ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức.
NTV nhắc lại lời khẳng định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng đối với Đức và các doanh nghiệp Đức, đặc biệt EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 là nền tảng tốt đẹp cho mối quan hệ kinh tế song phương.
Bài báo cũng cho biết, ngoài lĩnh vực kinh tế thuần tuý, Việt Nam cũng là quốc gia khá hấp dẫn đối với Đức xét về mặt địa chính trị. Ngày càng có nhiều quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam để được hưởng những ích lợi về kinh tế. Trong một trật tự thế giới ngày càng biến động, những điều này càng cho thấy rõ tiềm năng của Việt Nam đối với giới doanh nghiệp Đức.
Báo tin tức