Doanh nghiệp hạ tầng: Lĩnh vực hấp dẫn, cổ phiếu hấp dẫn?
Tính trung bình, các cổ phiếu ngành hạ tầng trên sàn có mức tăng trên 20% từ đầu năm đến nay.
BOT – Mảnh đất hấp dẫn của các doanh nghiệp hạ tầng
Nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa và tư nhân trong việc phát triển hạ tầng giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP để khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP).
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư để khai thác và vận hành được thực hiện trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Với chủ trương nói trên, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư BOT.
Theo đó, các dự án BOT giao thông thường được tài trợ khoảng 80%-85% bằng vốn vay ngân hàng. Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án. Thời gian thu phí đối với các dự án BOT thường kéo dài, khoảng 10-11 đến 20-30 năm tùy quy mô từng dự án.
Đáng chú ý, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong 15 năm.
Đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh. Theo số liệu của Bộ Giao thông – Vận tải, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các phương thức vận tải khác và ngày càng tăng. Vận chuyển hành khách đạt 91%, vận chuyển hàng hóa đạt 63% năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm.
Không những thế, lợi thế của những doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng các dự án BOT là thu được “tiền tươi” từ phí, và doanh nghiệp ít phải lo lắng về vấn đề dòng tiền.
Tuy nhiên, cơ hội không dành cho tất cả
Với sự cạnh tranh sẽ ngày một mạnh hơn, cơ hội để tham gia lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng này sẽ không dành cho tất cả mà sẽ thuộc về doanh nghiệp có tiềm năng lớn về tài chính, kinh nghiệm triển khai nhanh, có lợi thế so sánh khi chủ động nguồn nhân lực và vật liệu xây dựng trên đia bàn thi công.
Các công ty sở hữu các dự án BOT lớn, đáng chú ý hiện đang niêm yết trên sàn có thể kể đến là CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (CII), CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (HTI), CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI), CTCP TASCO (HNX- HUT) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG).
CTI là công ty bước chân sớm nhất vào lĩnh vực BOT với trạm thu phí tại tỉnh lộ 16 và bắt đầu thu phí từ năm 2006. HTI và HUT đang nắm trong tay hàng loạt các dự án đáng chú ý ở Hồ Chí Minh (với HTI) và ở khu vực phía Bắc (với HUT). Doanh nghiệp tên tuổi CII có doanh thu thu phí BOT từ năm 2013, cũng sở hữu trong tay hàng loạt dự án triển vọng tại khu vực Bình Dương, Phan Rang.
Trong số đó, DLG là doanh nghiệp gây chú ý khi đi lên từ một doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu gỗ. Hiện tại, đây là doanh nghiệp sở hữu số trạm thu phí đang đi vào hoạt động nhiều nhất. Theo số liệu từ báo cáo thường niên, DLG đã triển khai cùng lúc 4 trạm thu phí BOT đường bộ lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và đã đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2015, mang về cho doanh nghiệp trên 2 tỷ/ngày.
Theo báo cáo quý 2/2016, doanh thu của các doanh nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ như HUT (gấp 2,7 lần), HTI (tăng 67,6%) và CTI (tăng 32%). Đối với DLG, hoạt động thu phí bắt đầu đóng góp doanh thu từ nửa cuối năm 2015. Lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ, chi phí bảo trì tại khu vực các tỉnh thành phố Tây Nguyên không cao do đặc thù vị trí địa lý- khí hậu đi kèm với lưu lượng xe được dự báo sẽ tăng mạnh.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện rõ rệt và phản ánh phần nào vào diễn biến thị giá cổ phiếu trên sàn. Tính trung bình, các cổ phiếu ngành hạ tầng trên sàn có mức tăng trên 20% từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, CII và HTI đều đạt đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, DLG tăng 17% kể từ đáy trong 1 tháng trở lại đây sau những công bố liên quan đến các dự án đầu tư.
Trí Thức Trẻ