MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá mức độ hồi phục của các địa phương: TP. HCM, Hà Nội hay Hải Phòng, Bắc Ninh dẫn đầu?

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Mới đây, Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) vừa công bố một khảo sát nhanh về triển vọng phục hồi ở Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát với hơn 550 công ty thành viên và 2.000 đại diện cá nhân của AmCham Việt Nam, bao gồm cả chi nhánh Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ tái mở cửa và phục hồi kinh tế ở mức 3,6/5 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 3,5/5 điểm, Hải Phòng và Bắc Ninh cùng đứng thứ ba với 3,4/5 điểm.

Theo Amcham, việc triển khai vaccine tại Việt Nam đã cho phép nhiều lĩnh vực, ngành nghề mở cửa và phục hồi với lộ trình an toàn, cũng như đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Hơn 60% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đã quay trở lại hoạt động ở mức 80% công suất bình thường trở lên và 85% đang hoạt động ở mức 60% công suất bình thường trở lên.

Đối với những công ty chưa đạt công suất bình thường, 25% dự kiến sẽ đạt được toàn bộ công suất vào cuối năm 2021; hơn 60% dự kiến sẽ trở lại bình thường vào quý 1/2022 và hơn 90% cho biết có thể bình thường hóa vào quý 2/2022.

Có tới 80% thành viên AmCham trả lời khảo sát cho biết đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam, cho biết họ đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm tại Việt Nam.

Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, bà Mary Tarnowka đánh giá: những chính sách nhất quán hơn trên khắp đất nước trong vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với dịch Covid-19 sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Tự do hóa yêu cầu mở cửa đi lại quốc tế của chuyên gia nước ngoài không chỉ sẽ tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam, mà còn thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, do thị trường nội địa tiếp tục biến động và chuỗi cung ứng quốc tế vẫn chưa được hồi phục hoàn toàn. 

Việc hạn chế di chuyển quốc tế là yếu tố chính ảnh hưởng tới hoạt động hiện nay của doanh nghiệp, cùng đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí. Hạn chế di chuyển trong nước và thực trạng thiếu lao động cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp được hỏi cũng rất quan tâm đến các chính sách về F0/F1. Gần 80% người trả lời khảo sát lo ngại về sự không nhất quán trong chính sách giữa các tỉnh. 61% người trả lời khảo sát lo ngại về việc cách ly bắt buộc đối với các F1, ngay cả khi đã tiêm 2 mũi vaccine, không có triệu chứng và với kết quả xét nghiệm âm tính. 60% người trả lời cũng lo lắng về yêu cầu cách ly tập trung đối với các F0 đã tiêm 2 mũi, không có triệu chứng.

80% số người trả lời khảo sát cho rằng doanh nghiệp nên có lịch làm việc linh hoạt hơn để thu hút người lao động quay lại và giữ chân họ. 53% muốn doanh nghiệp đảm bảo lao động có thể việc tiếp cận với vaccine Covid-19. 

Gần 80% số người trả lời khảo sát đề nghị chính quyền trung ương hoặc tỉnh đảm bảo tiếp cận vaccine để đưa người lao động trở lại. 61% khuyến nghị việc tinh giản các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài.

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên