Doanh nghiệp “khát” lao động sau tết
Ngay sau Tết Nguyên đán 2020, hàng loạt doanh nghiệp (DN) tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đồng loạt đăng tuyển lao động nhưng vẫn rất khó mời gọi.
“Ðỏ mắt” tìm người
Dù đã rao tuyển lao động (LĐ) từ trước tết, nhưng đến nay Công ty TNHH Thành Nhân (Q.Thủ Đức), chuyên gia công giày xuất khẩu vẫn chưa đủ số lượng. Mặc dù công ty có chế độ đãi ngộ hấp dẫn như tuyển không cần tay nghề, người được ký hợp đồng với mức lương 5,2 triệu đồng/tháng, mỗi năm tăng 5%. Công ty đảm bảo mức thu nhập hàng tháng cho công nhân từ 8-10 triệu đồng; các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ.
Đặc biệt công ty còn đề ra quy định, ai giới thiệu được người thân quen, họ hàng vào làm việc sẽ được công ty thưởng. Cụ thể, với mỗi công nhân được vào làm đủ 2 tháng, người giới thiệu sẽ có “hoa hồng” 300.000 đồng; làm 4 tháng được thưởng 600.000 đồng. Chính sách bắt đầu áp dụng từ 3/2 đến hết 31/5/2020. “Thế nhưng nhu cầu 500 công nhân rao từ trước tết đến giờ chỉ mới gần một nửa, còn lại không biết tìm đâu ra người” - ông Trần Văn Hùng, đại diện Công ty Thành Nhân cho biết.
Nhiều DN trả lương cao vẫn thiếu hụt LĐ ảnh: Hương Chi
Khảo sát tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) ở TPHCM, đa số DN đều có nhu cầu tuyển dụng LĐ sau tết. Công ty TNHH Tosok (KCX Tân Thuận, Q.7) rao tuyển nhiều công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử với mức lương 6,4-8,5 triệu đồng/tháng. Nguyễn Thị Hà, Giám đốc nhân sự Tosok cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất, dù thông báo cần tuyển dụng hơn 1.000 công nhân nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua vẫn chưa tìm đủ. Vì vậy, công ty phải cử người về tận các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoặc ra miền Trung tìm kiếm.
TPHCM tuyển người tốt nghiệp trung cấp nhiều hơn ĐH
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2020 cần khoảng 323.000 chỗ làm việc, trong đó có 135.000 chỗ làm việc mới. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo năm 2020 chiếm 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 25,68%, trung cấp chiếm 21,53%, cao đẳng chiếm 17,99%, đại học trở lên chiếm 19,80%. Như vậy, theo dự báo về thị trường lao động năm 2020, nhu cầu tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp ĐH có thể bị tụt giảm xuống đứng thứ 3 chứ không đứng thứ 2 như năm 2019. Uyên Phương
Tại Bình Dương, Công ty TNHH SS Việt Nam, Công ty TNHH Daeseung SGN, Công ty TNHH May mặc Hung Kiu Việt Nam, Công ty Poong In Vina 5… đưa mức lương gần chục triệu đồng/tháng vẫn “bói” không ra người. Các DN ngành dệt may, gỗ cũng thiếu hàng ngàn LĐ và rất khó khăn trong việc tuyển dụng. Được biết địa phương này có nhu cầu tuyển dụng 60.000 người trong năm 2020, trong đó LĐ phổ thông chiếm 75%.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, dù tỷ lệ LĐ đi làm trở lại sau tết đã đạt 92% nhưng DN vẫn cậy các kênh hỗ trợ tuyển dụng. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt LĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên kết các Trung tâm ở Đắk Lắk, Kon Tum cung ứng trên 1.000 LĐ phổ thông. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh miền Tây Nam bộ triển khai các chương trình tư vấn việc làm cho người lao động, thu hút thêm 5.000 lao động về Bình Dương làm việc.
Còn tại Đồng Nai, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Pousung VN chia sẻ: “Tình trạng công nhân nghỉ việc ở công ty ít xảy ra đối với người có thu nhập ổn định, làm việc lâu năm. Công ty tuyển dụng thêm 10.000 LĐ là để mở rộng sản xuất. Hiện, mỗi ngày công ty tuyển dụng được khoảng 50 người”.
Cân nhắc mức lương, thưởng “giữ chân” LÐ
Tìm hiểu nguyên nhân thiếu hụt LĐ sau tết, đa số các DN cho biết đều có chế độ đãi ngộ tốt nên không có chuyện LĐ “một đi không trở lại” sau kỳ nghỉ tết. Nguyên nhân thiếu ở đây là do các DN mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất khiến thiếu hụt nhân sự.
Ông Cao Duy Thái, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng 75.000 LĐ, nhưng thực tế con số cần tuyển dụng có thể cao hơn. Theo ông Thái, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng LĐ ở tỉnh Đồng Nai liên tục tăng. Trung bình mỗi năm cần khoảng 90.000-100.000 LĐ.
Với nhu cầu tuyển dụng cao mà nguồn lao động đang thiếu nên dẫn đến việc tuyển dụng LĐ ở các DN gặp nhiều khó khăn. “Có tình trạng công nhân “nhảy việc” sau tết, nhưng chỉ là nhảy từ DN này qua DN khác cũng đóng trên địa bàn tỉnh. Đây không phải nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt LĐ, một trong những nguyên nhân chính là do DN cần mở rộng hoạt động sản xuất” - ông Thái phân tích.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, để giúp người LĐ yên tâm, tránh hoang mang xin nghỉ việc do sợ dịch virus corona, đơn vị đã có công văn đề nghị các cấp công đoàn trong toàn tỉnh tập trung phòng, chống dịch; đề xuất với người sử dụng LĐ tạo điều kiện cho người LĐ nước ngoài và LĐ Việt Nam đến từ các vùng có dịch được nghỉ việc để theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. “Hầu hết các DN Trung Quốc đóng trên địa bàn tỉnh, công nhân vẫn làm việc bình thường, không có trường hợp nhảy việc do lo sợ lây dịch. Những công ty cần tuyển dụng chủ yếu do nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc người LĐ ở quê không trở lại làm việc” - bà Hạnh cho hay.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, hiện thành phố chỉ đáp ứng được phân nửa số LĐ mà các DN cần. Trong khi đó, LĐ tại các KCX, KCN hàng năm cần tuyển từ 30.000-40.000 công nhân, nhưng chỉ tìm được 16.000-20.000 người. “Để giải quyết “cơn khát” nguồn LĐ như hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường mở rộng các lớp đào tạo nghề cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra thành phố cần mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn để người LĐ có nghề nghiệp trước khi bước vào làm việc ở các DN. Còn việc thiếu hụt nguồn LĐ, các DN cần cân nhắc mức lương, thưởng sao cho phù hợp với từng LĐ cụ thể. Có làm được như vậy, DN mới giữ chân được LĐ” - vị này chia sẻ.
Công nhân ổn định trở lại nơi làm việc
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 10/2, có khoảng 97% lao động đã trở lại nơi làm việc sau Tết Nguyên đán. Nhằm ổn định tâm lý cho người lao động trong khi tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp chống dịch ngay tại công ty. Thậm chí, khi ăn công nhân không được trò chuyện.
Đại diện Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đến 10/2 hầu hết các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đạt từ 90 đến 98%. Dương Hưng
Tiền phong