MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp linh hoạt '3 tại chỗ'

23-07-2021 - 08:33 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp linh hoạt '3 tại chỗ'

Dịch bệnh lan vào khu công nghiệp khiến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đều mất ăn, mất ngủ. Không để đứt gãy sản xuất, nhiều DN đồng loạt chuyển sang hình thức làm việc mới theo chiến thuật “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ để thích ứng với tình hình mới.

Khi nhận được thông báo có ca nhiễm SARS-CoV-2 tại công ty, chị Lê Thu Thủy (34 tuổi, Thanh Hóa), công nhân Cty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam thấy khá hoang mang.

Hôm đó, công nhân mới vào ca thì nhận được thông báo: “Một bảo vệ của công ty dương tính với SARS-CoV-2”. Ngay sau đó, tất cả công nhân phải ở lại Cty và được đưa đi xét nghiệm.

Trong mấy ngày chờ kết quả, chị Thủy và các đồng nghiệp phải cách ly khép kín tại ký túc xá, thậm chí nhà xưởng của công ty được tận dụng trở thành nơi nghỉ của công nhân. Kíp của chị có hơn 40 người, tất cả đều đứng ngồi không yên. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm đều âm tính, công nhân thở phào. Tất cả được sàng lọc và bố trí về nơi ở riêng. 2-3 công nhân được về ở chung một phòng khách sạn, ăn uống được khách sạn phục vụ tại chỗ. Còn những công nhân được phân về ở tại chung cư, Cty hỗ trợ nguồn thực phẩm.

Chị Thủy cho biết, từ khi áp dụng theo hình thức mới, cứ mỗi buổi sáng, xe Cty lại đến chở công nhân đi làm việc. Suốt cả ngày như vậy, công nhân không được tụ tập, nói chuyện riêng. Vào giờ trưa, công nhân thay phiên nhau đi ăn, sau đó trở về chỗ làm việc để nghỉ 30 phút. Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ công nhân, Cty cắt cử nhân viên sau 2 giờ sẽ đến kiểm tra thân nhiệt cho công nhân.

“Dù cuộc sống có chút bí bách vì không được ra ngoài và không được tiếp xúc với bất kỳ ai nhưng trong hoàn cảnh này, mình phải cố gắng thôi. Mình may mắn còn có việc làm, nhiều công nhân phải nghỉ việc đi cách ly tập trung cả nửa tháng trời, hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều”, chị Thủy nói.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện ban Quản lý KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, vừa qua, tại KCN Bắc Thăng Long, xuất hiện 31 trường hợp F0 tại Cty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam, Cty TNHH Molex Việt Nam và Cty MEDA.

Trong hoàn cảnh đó, Cty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam đã sắp xếp cho 270 công nhân ở tại khách sạn, 700 công nhân ở tại khu nhà ở xã hội Kim Chung và 270 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt về các địa phương để tiếp tục theo dõi sức khỏe. Cty TNHH Molex Việt Nam cách ly toàn bộ F1 và những trường hợp liên quan, đồng thời xây dựng phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn để tổ chức sản xuất trở lại, chỉ cho phép công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính đi làm.

Lo đứt gãy sản xuất

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp có gần 1.000 lao động với các nhà máy ở TPHCM, Bình Dương cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động của DN trong tình cảnh hết sức căng thẳng. TPHCM là địa bàn lớn nhất và có nhà máy của Cty nhưng đang trong giai đoạn bị giãn cách nên chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhà máy hoạt động nhưng lúc nào cũng nơm nớp vì lỡ chỉ cần một lao động bị dịch là dừng sản xuất ngay lập tức.

Theo vị này, để duy trì sản xuất, Cty áp dụng tối đa các phương pháp phòng chống dịch, thậm chí bố trí chỗ ăn nghỉ tại nhà máy cho công nhân. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được cho 300 lao động. Ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều lao động không đồng ý ở lại do có con nhỏ. Việc cách ly tại nơi làm việc cũng phát sinh nhiều vấn đề về quản lý ngoài việc chán nản về tâm lý của người lao động. “Chúng tôi cũng phải tính cả phương án đóng cửa nhà máy, dù biết việc tạm dừng hoạt động khiến người lao động mất thu nhập, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề”, vị này cho hay.

Lo đứt gãy sản xuất cũng là vấn đề được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nêu ra trong thư gửi người lao động và cán bộ quản lý các doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Theo ông Trường, Vinatex đang thực sự ở vào thời kỳ khó khăn nhất trong suốt 18 tháng có dịch COVID -19 khi các địa phương là trung tâm sản xuất có tỷ trọng lớn, hiệu quả cao của tập đoàn đều nằm trong tâm dịch, mà nghiêm trọng nhất là tại TPHCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Định. Lần đầu tiên trong hệ thống các doanh nghiệp của tập đoàn có các ca F0 và diễn biến trên diện rộng, cùng với việc áp dụng chính sách giãn cách, cách ly của các địa phương để phòng chống dịch khiến nhiều cơ sở sản xuất của Vinatex đã phải giảm mạnh sản xuất từ 50-70%, thậm chí phải dừng sản xuất trong 14 ngày vì có F0.

Thống kê của Vinatex cho thấy, chỉ trong 10 ngày qua, số lượng lao động không thể đi làm đã lên tới trên 10.000 người, lớn nhất là của các Cty Việt Tiến, Hữu Nghị tại Đồng Tháp và tại TPHCM, Đồng Nai. Dự kiến trong những ngày tới đây, số lượng lao động không đi làm được còn tăng nhanh do ảnh hưởng dịch. Khó khăn sẽ còn chồng chất hơn khi các DN đang có đủ đơn hàng ở tất cả các đơn vị đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn.

"Sáu tháng đầu năm đã ghi nhận những kết quả rất tốt, hiệu quả kinh doanh đã quay lại cao hơn cả mức trước dịch bệnh của 6 tháng đầu năm 2019 tới trên 40%. Nhưng những thành quả đó hoàn toàn có thể mất đi nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt. Đồng thời còn có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và trên hết là đời sống của người lao động tại các DN".

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Vinatex

DTheo Dương Hưng - Thục Quyên

Tiền Phong

Trở lên trên