Doanh nghiệp lợi lớn, người tiêu dùng ra rìa
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cùng các chuyên gia cho rằng, cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thu lợi lớn mỗi ngày.
- 05-07-2016Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
- 04-07-2016Lại tranh cãi về thuế nhập khẩu xăng dầu
- 03-07-2016Bộ Tài chính giải thích về cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây tranh cãi
Lợi nhuận doanh nghiệp “khủng”
Câu chuyện về áp thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN và Hàn Quốc ở mức nào, áp ra sao, đang là “bài toán khó” với Bộ Tài chính, khi liên tiếp trong thời gian gần đây, Hiệp hội Xăng dầu (VINPA), Bộ Công Thương và cả các chuyên gia trong ngành có văn bản đề nghị cần xem xét lại.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA cho biết, ngày 17/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48 áp mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 7%. Cách áp mức thuế nhập khẩu này gây chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Để khắc phục bất cập của Thông tư 48, ngày 18/3, Bộ Tài chính ra văn bản 189 áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
Mức thuế nhập khẩu áp dụng cho quý II/2016 (áp dụng từ ngày 5/4) để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và madút. Tuy nhiên, việc áp mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đã bộc lộ những bất cập lớn hơn. Đặc biệt, việc ra mức thuế mới này đã vi phạm luật.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 5,4 triệu tấn, tăng 27,6%. Do giá dầu thế giới xuống thấp nên giá nhập khẩu bình quân giảm tới 37,5% so với cùng kỳ năm trước với trị giá nhập khẩu là 1,96 tỷ USD.
Các số liệu cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhập khẩu 2,18 triệu tấn xăng dầu từ Singapore (tăng 7,4%); 1,49 triệu tấn xăng dầu từ Malaysia (tăng gấp 5 lần) và 713 nghìn tấn từ Hàn Quốc (tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước).
Theo tính toán của các chuyên gia ngành xăng dầu, với mức chênh lệch thuế 8,35% đối với xăng (thuế nhập từ Hàn Quốc là 10%, nhưng thuế bình quân gia quyền áp dụng là 18,35% tính đến trước ngày 5/7), doanh nghiệp nếu chọn thời điểm tốt để đặt mua, có thể kiếm lợi mỗi thùng khoảng 4,843 USD (tương đương khoảng 678 đồng/lít).
Với lượng nhập khẩu gần 2,2 triệu tấn xăng, dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2016, mức lợi nhuận cho doanh nghiệp có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như Petrolimex lãi hơn 1.130 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng kinh doanh đầu năm. Riêng lãi từ kinh doanh xăng dầu chiếm gần 48%, tương đương 658 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 1.134 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ 2015.
Phớt lờ lợi ích người tiêu dùng
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, theo đại diện VINPA, Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 39 đều quy định giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, “Bộ Tài chính đã điều hành, cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở không đúng với Nghị định 83/2014/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC”, lãnh đạo VINPA cho hay.
“Bất cập ở chỗ, việc Bộ Tài chính cho áp thuế theo văn bản 4536/BTC-QLG với mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diesel thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao. Theo đó, giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng, bất cập này không được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Ruệ cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia về xăng dầu cũng cho rằng, cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hiện nay không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước.
“Chưa kể theo quy định hiện hành của Luật Thuế xuất nhập khẩu, chỉ có 3 loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu (thuế nhập khẩu thông thường, thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt).
Việc áp dụng mức tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở như vậy là một loại thuế mới hoàn toàn. Việc ban hành hay áp dụng một loại thuế mới là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nay áp dụng vào điều hành, có nghĩa Bộ Tài chính đã tự ý “đẻ” thêm một loại thuế mới”, vị này phân tích.
Để giải quyết những bất cập trong áp thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần thực hiện áp thuế nhập khẩu đồng nhất đối với xăng là 10% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, 0% đối với các mặt hàng dầu theo quy định của ATIGA và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
“Bộ Tài chính cần nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết”, lãnh đạo VINPA kiến nghị.
Một quan chức Bộ Công Thương cho biết, tuần qua đã gửi công văn tới Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại việc tính và áp thuế nhập khẩu xăng dầu để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời không để tình trạng doanh nghiệp được hưởng lợi từ cách áp thuế hiện nay.
rong kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ thường chọn nhập xăng dầu từ những thị trường có mức thuế thấp và bán ra với giá cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận. Nay áp thuế bình quân gia quyền ở mức 15,74% đối với xăng và 1,84% đối với dầu diesel (trong khi doanh nghiệp nhập từ những nước chỉ có thuế 10% với xăng và 0% với dầu) không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, mà người tiêu dùng phải chịu thiệt.
PGS TS Ngô Trí Long
Tiền phong