MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp mía đường 2017-2018: Một năm kinh doanh buồn!

10-10-2018 - 11:43 AM | Doanh nghiệp

Với những tín hiệu "vui" trên, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp mía đường niêm yết bắt đầu xanh điểm trở lại, song lực tăng vẫn còn khá yếu. Cổ đông theo đó vẫn chịu nhiều thiệt thòi, không chỉ giao dịch cổ phiếu, mà mức cổ tức dự báo sẽ không cao do hiệu quả kinh doanh đa số doanh nghiệp vẫn thấp.

Kết thúc niên độ tài chính 2017-2018 (thường kết thúc vào tháng 6 hằng năm), doanh nghiệp ngành mía đường nhìn chung có khởi sắc, song vẫn còn chật vật một mùa kinh doanh khá khó khăn. Khi mà, toàn ngành được nhìn nhận đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây, với bất cập về tính cạnh tranh, hàng nhập lậu, dư cung đi cùng tình trạng tồn kho ứ đọng. Theo đó, không chỉ doanh nghiệp khốn khó, người nông dân cũng bị tổn thương sâu sắc.

Doanh nghiệp mía đường 2017-2018: Một năm kinh doanh buồn! - Ảnh 1.

Giá đường theo Nasdaq.

Kinh doanh buồn

Trước hết, điểm qua về kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp niêm yết trong ngành, Mía đường Lam Sơn (LSS) ghi nhận doanh thu đạt 1.452 tỷ đồng, giảm 39% so với niên độ trước đó, và chỉ mới hoàn thành 42% kế hoạch. Tương ứng, lãi sau thuế Công ty thu về chưa đến 4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quý mới đây mặc dù doanh thu LSS có tăng trưởng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt 732,9 tỷ đồng. Song, chi phí giá vốn tương ứng tăng cao khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 10% về mức 45 tỷ đồng. Chưa kể, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý cũng đồng thuận tăng. Kết quả là, Công ty ngậm ngùi báo lỗ thuần hơn 10 tỷ đồng.

Chung cảnh ngộ, Mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng ghi nhận sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận cho niên độ tài chính kết thúc năm 2017-2018. Cụ thể, doanh thu Công ty đạt 1.065 tỷ, lợi nhuận sau thuế thu về hơn 3 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mía đường Sơn La (SLS) cũng cho thấy một năm kém sắc, doanh thu có tăng 12% lên 600 tỷ, tuy nhiên giá đường thế giới liên tục giảm sâu dẫn đến biên lợi nhuận Công ty sụt giảm mạnh. Theo đó, SLS chỉ đạt 116 tỷ, tức giảm đến 30% so với mức 150 tỷ niên độ 2016-2017.

Tương tự, Mía đường Kontum (KTS) cũng báo lợi nhuận giảm tới 78%, chỉ còn 9 tỷ đồng trong niên độ 2017-2018.

Đáng kể nhất, "ông trùm" Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) cũng cho thấy sự suy giảm lợi nhuận. Chi tiết, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 10.364 tỷ, gấp 2,3 lần so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 546,7 tỷ đồng, tăng 61%. Song, nếu phân tích sâu, kết quả này có được do có sự hợp nhất với Mía đường Biên Hòa (BHS). So sánh với trước khi chưa hợp nhất, lãi ròng của Thành Thành Công - Biên Hòa theo là 339 tỷ, còn Mía đường Biên Hòa là 289 tỷ, cho thấy nhuận sau thuế năm qua của Thành Thành Công - Biên Hòa thấp hơn mức tổng lợi nhuận riêng lẻ của Công ty và BHS gộp lại.

Tồn kho ở mức cao

Sự kém sắc kinh doanh của doanh nghiệp phần lớn được giải thích bởi khó khăn chung toàn ngành. Có thể nói, bước sang năm 2018, lịch sử khủng hoảng lặp lại với toàn ngành khi:

(1) Mức tồn kho hiện ở mức khá cao. Bắt đầu từ niên vụ 2015-2016, tỷ lệ tồn kho tăng, thậm chí đạt ngưỡng 70% và tiếp diến cho đến nay.

(2) Tình trạng dư cung kèm cầu yếu khiến tiêu thụ đường gặp khó khăn, giá bán sụt giảm.

(3) Trên góc độ vi mô, doanh nghiệp đường từ việc đối mặt với tình trạng nhập lậu thông qua đường tiểu ngạch dẫn đến nguy cơ phá sản, đến lo ngại đối với quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đồng thời phải chật vật cạnh tranh trực tiếp với đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực, đặc biệt về giá.

Trong đó, mức tồn kho cao được quan tâm hơn cả, vì không chỉ ngốn chi phí của doanh nghiệp mà còn gây áp lực lên vai người nông dân. Bởi, tiêu thụ khó khăn, tồn cao ứ đọng cùng với việc siết chặt vay vốn tại nhà băng khiến doanh nghiệp phải khất nợ nông dân. Theo ước tính, mức tồn kho hiệ đâu đó hơn 700 tấn đường.

Tại doanh nghiệp, hàng tồn kho cũng là điểm nhấn mạnh tại SBT khi khoản mục này càng tăng mạnh sau hợp nhất, đi cùng chi phí quản lý cũng như tài chính tăng cao kéo lùi biên lãi. Hay tại một số đơn vị khác như SLS, LSS… mức tồn kho cũng tăng mạnh.

Doanh nghiệp mía đường 2017-2018: Một năm kinh doanh buồn! - Ảnh 2.

Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.

Và, lý giải cho hiện tượng tồn kho cao, người trong ngành cho biết do thị trường thế giới gặp khó khăn, giá đường xuống mức thấp kỷ lục bởi lượng cung tăng mạnh với khoảng 178 triệu tấn, cao hơn con số cùng kỳ 10 triệu tấn, dẫn đến dư thừa hơn 5 triệu so với nhu cầu.

Có điểm sáng

Một vấn đề từng dậy sóng dư luận, hiệp định ATIGA quy định các nước ASEAN phải dành cho nhau những ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác FTA - buộc phải giảm mức thuế nhập khẩu đường về mức 5% khiến đường Việt Nam có thể mất năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi đường Thái Lan có lợi thế nhờ mức giá rẻ hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg so với đường nước ta. Hiện, hiệp định trên đã được lùi thời hạn áp dụng, là một điểm sáng cho toàn ngành.

Box phải: Tại dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đã đề xuất đối với sản phẩm nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2% lên 12% và nâng mức thuế VAT cho đường từ 5% lên 6%, dự kiến áp dụng từ năm 2019. Nếu dự thảo Luật này được thông qua và có hiệu lực sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp nước giải khát cũng như các doanh nghiệp sản xuất đường.

Song song với đó, sống chung với "lũ" ngành đường nước ta đã biết tự khắc phục, bằng chứng là nỗ lực hạ giá thành đường nội địa đã, đang và tiếp tục tích cực được triển khai. Các doanh nghiệp đường nội địa đang tìm cách hạ giá thành để có thể cạnh tranh, đến nay giá đường nội địa vẫn còn khả năng cạnh tranh khi giá bán buôn đường trắng nội địa đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2018.

Doanh nghiệp mía đường 2017-2018: Một năm kinh doanh buồn! - Ảnh 3.

Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.

Còn về mặt bằng chung, bước qua giai đoạn 2018-2019, mặc dù ngành đường vẫn đang nằm trong chu kỳ thấp điểm tuy nhiên dự báo vẫn sẽ được hỗ trợ từ giá đường hồi phục sau khi Brazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới có thể sẽ giảm cung do chịu tác động từ hạn hán nghiêm trọng kéo dài.

Với những tín hiệu "vui" trên, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết bắt đầu xanh điểm trở lại, song lực tăng vẫn còn khá yếu. Cổ đông theo đó vẫn chịu nhiều thiệt thòi, không chỉ giao dịch cổ phiếu, mà mức cổ tức dự báo sẽ không cao do hiệu quả kinh doanh đa số doanh nghiệp vẫn thấp.

Tựu trung lại, dù trong thời buổi khó khăn, bên cạnh việc kiểm soát tốt chi phí, đầu tư công nghệ, phát triển khách hàng, doanh nghiệp mía đường cũng bắt đầu đa dạng hóa nguồn thu và từng bước cải thiện kinh doanh. Hơn nữa, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh tái cơ cấu, sáp nhập, mở rộng thị phần như phương án SBT đã thực hiện thời gian qua.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên