Doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao, ngóng chờ… “phao cứu sinh”
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội nêu thực trạng “báo động” khi số lượng doanh nghiệp ngành xây dựng rút lui khỏi thị trường tăng.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nêu vấn đề và đặc biệt nhấn mạnh đến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong đó có nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng.
Theo Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, năm 2022, có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó ngành xây dựng có số doanh nghiệp rút lui tăng mạnh là 18,8%. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu tại tổ vào tháng 5/2023, trong 5 tháng đầu năm 2023 số liệu các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã là 88.000… Đáng lưu ý, trong số này thì riêng ngành xây dựng số doanh nghiệp rút lui đã tăng đến 25,5%.
Rất dễ thấy, thực trạng của ngành xây dựng trong thời gian vừa qua không mấy khả quan. Kể từ sau đại dịch Covid-19 và giai đoạn nửa sau năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Điều này dẫn đến việc hầu hết doanh nghiệp ngành xây dựng rơi vào tình cảnh lao đao và luôn trong trạng thái chờ “phao cứu sinh”.
Thực tế cho thấy, nhiều công trường xây dựng phải đắp chiếu, công nhân phải rời bỏ công trường, trong khi giá vật liệu xây dựng leo thang. Tình trạng trên kéo dài đồng thời diễn ra trên diện rộng, kể cả những “ông lớn” ngành xây dựng cũng lâm vào tình cảnh éo le. Không ít các công trình cũ bị chủ đầu tư nợ, khiến các nhà thầu phải nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp... dẫn tới nhiều công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công, chưa nói tới việc doanh nghiệp thu xếp đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu sắp tới.
Có thể nói, hiện ngành xây dựng lẫn bất động sản đang rơi vào khủng hoảng và suy thoái, gây nhiều khó khăn về tài chính, nguồn việc thu hẹp, rủi ro nợ xấu tăng cao. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều chủ đầu tư dự án, sàn môi giới bất động sản đã phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động…
Điều này cũng được Bộ Xây dựng thông tin trong công bố về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2023. Cụ thể, trong quý I/2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm.
Cụ thể, quý I/2023, có 940 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh là 2.157 doanh nghiệp.
Nếu nhìn vào những con số kể trên, chúng ta càng thấy bức tranh “màu xám” của ngành xây dựng ở thời điểm hiện tại. Giữa “tâm bão” của cuộc khủng hoảng ấy, các doanh nghiệp đang chờ đợi ngành xây dựng, đặc biệt “tư lệnh” ngành đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá đánh đúng, trúng vào “cái khó” để tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.
Sau thời gian phát triển “nóng”, hiện các doanh nghiệp ngành xây dựng cần phải có “phao cứu sinh” kịp thời, chứ không phải khi doanh nghiệp đã giải thể, tạm dừng hoạt động thì mới được “cứu vớt”... Vấn đề đặt ra là ngành xây dựng cần phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải? Đó là bài toán khó, nhưng cần sớm có lời giải!
Công thương