Doanh nghiệp Nhật chuộng linh kiện Việt Nam hơn Malaysia
Nhưng tỷ lệ linh kiện Việt Nam được sử dụng vẫn thấp hơn linh kiện từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan.
- 13-08-2019VinSmart, Bkav cùng hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Việt đang đứng trước một "miền đất hứa"?
- 10-08-2019Lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lời đáp từ cộng đồng doanh nghiệp
- 09-08-2019Khen giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật đặt nhà máy tại Việt Nam, công suất lớn hơn nhà máy ở Trung Quốc
Đây là nhận định được ông Hronobu Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) - Văn phòng Hà Nội đưa ra tại sự kiện khai mạc Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 trong sáng 14/8.
Đại diện Jetro cho biết trong những năm qua, số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã gia tăng một cách mạnh mẽ.
Theo các kết quả điều tra, năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án. Ngoài ra, có tới gần 70% doanh nghiệp trong khảo sát trả lời rằng "mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam".
"Điều này cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam vẫn là nơi sản xuất hiệu quả và là thị trường đầy hấp dẫn. Hơn nữa, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện".
Ông Kitagawa tiết lộ theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, vật tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng lên đáng kể từ năm 2010 đến nay, và tỷ lệ này đã vượt qua Malaysia vào năm 2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với một số nước láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn buộc phải nhập khẩu một phần các linh kiện chính từ nước ngoài.
"Một điều chắc chắn rằng việc làm hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là tạo cơ hội để cho các bên được kết nối kinh doanh với nhau, đặc biệt là tạo cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tiềm năng của Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản, như triển lãm này là một ví dụ".
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng triển lãm sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam và tôi thực sự mong rằng Hà Nội và các vùng lân cận sẽ trở thành một trong số những công xưởng sản xuất quan trọng nhất của khu vực ASEAN trong tương lai không xa", ông Kitagawa chia sẻ về ý nghĩa của triển lãm lần này.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam,dù đã có những kết quả đáng ghi nhận. nhưng vẫn còn không ít những hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức sản xuất. Ngoài ra, công nghệ kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập.
"Với nỗ lực của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và sự trợ giúp mạnh mẽ từ phía Nhật Bản triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác quốc tế", ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Trí Thức Trẻ