Doanh nghiệp ồ ạt báo lãi lớn, giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi cổ đông "khó chiều" này rút lui
Đây là câu chuyện đáng chú ý của quỹ đầu tư lớn Red River Holding tại Việt Nam. Đừng quên là Red River còn 1 số khoản đầu tư sẽ rút để đóng quỹ vào năm 2017. Liệu lịch sử có lặp lại?
- 05-04-2016Red River Holdings thoái vốn thành công tại Everpia, lịch sử Vicostone có lặp lại với EVE?
- 02-04-2016Cổ phiếu EVE tăng giá, Red River và Temasia đã thoái được vốn khỏi Everpia
- 29-12-2015Red River Holding ra đi, cổ phiếu Vicostone tăng giá gấp 5 sau khi "đổi chủ"
Được thành lập từ năm 2008 bởi tỷ phú Pháp, François Pinault- Red River Holding (RRH) được biết đến với hàng loạt khoản đầu tư vào các doanh nghiệp tại Việt Nam như Hoa Sen, FPT, Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Vinasun, Sợi Thế Kỷ, Vicostone, Everpia Việt Nam, Nhựa Ngọc Nghĩa, Dabaco,….
Là quỹ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên câu chuyện nổi bật của RRH là luôn bị mang tiếng khó chiều, khó tìm được tiếng nói chung với DN. Tiêu biểu là 3 thương vụ đình đám tại Vicostone (VCS), Everpia Việt Nam (EVE) và Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG).
Cổ đông lớn "khó chiều"
Với tỷ lệ sở hữu ở mức đủ để gây sức ép lên HĐQT, RRH thường đưa ra những yêu cầu như việc thêm người vào HĐQT, nâng tỷ lệ cổ tức, yêu cầu công ty mua lại cổ phiếu của quỹ …. Khi RRH và DN không đạt được sự đồng thuận, RRH dùng quyền cổ đông lớn phủ quyết phản đối.
Tất nhiên nói đi thì cũng phải nói lại. Bản thân Vicostone cũng như Everpia đã có những giai đoạn kinh doanh không được như kỳ vọng khiến những cổ đông lớn như Red River Holding không thể hài lòng.
Như trường hợp Nhựa Ngọc Nghĩa, RRH gây sức ép thoái vốn khỏi 2 công ty trong ngành thực phẩm, được coi là không liên quan đến ngành nghề cốt lõi chính của DN. Vicostone thì RRH đề nghị gửi thư yêu cầu ngân hàng hạ tín nhiệm hay muốn mua Style Stone. DN cho rằng điều đó dẫn đến việc mất cân đối dòng tiền. Cùng với đó, sự thiếu đồng thuận trong ban lãnh đạo cũng là một phần nguyên nhân khiến Vicostone không hoàn thành kế hoạch đặt ra trong những năm 2012, 2013.
RRH ra đi, doanh nghiệp "bung" lãi lớn
Theo kế hoạch, năm 2017 sẽ là thời hạn RRH đóng quỹ. Do đó, quỹ này đã tiến hành thoái vốn khỏi hàng loạt khoản đầu tư trong những năm gần đây, bao gồm cả 3 khoản đầu tư đầy “tai tiếng”.
Không rõ là trùng hợp hay vì bất hòa, DN "ém" lợi nhuận khi RRH ngồi đó, mà ngay sau khi RRH tiến hành thoái vốn thì KQKD cũng như giá cổ phiếu của các doanh nghiệp kể trên đều tăng trưởng rất mạnh.
Lợi nhuận Vicostone tăng mạnh từ năm 2014 khi RRH thoái vốn
Năm 2014, ngay sau khi RRH thoái vốn khỏi Vicostone, lợi nhuận doanh nghiệp này đã tăng 3 lần so với năm trước đó lên 212 tỷ đồng. Đến năm 2015, lợi nhuận Vicostone lên tới 405 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Không chỉ KQKD cải thiện mà giá cổ phiếu VCS cũng tăng mạnh từ vùng 15.000đ (thời điểm RRH thoái vốn) lên trên 90.000đ chỉ sau 2 năm. Cần lưu ý, trước khi có đợt bứt phá mạnh thì giá cổ phiếu VCS thường chỉ giao dịch dưới 20.000đ.
Cổ phiếu VCS tăng 6 lần chỉ sau 2 năm
Với Nhựa Ngọc Nghĩa, sau nhiều lần thúc ép doanh nghiệp này niêm yết để tiến hành thoái vốn, RRH đã được “toại nguyện” vào năm 2015 khi NNG giao dịch trên Upcom.
Cũng như Vicostone, KQKD Nhựa Ngọc Nghĩa lập tức khởi sắc ngay sau khi RRH thoái vốn với lợi nhuân được ghi nhận 56 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm trước đó. Năm 2016, kế hoạch kinh doanh Nhựa Ngọc Nghĩa đặt ra tiếp tục tăng mạnh lên 169 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm ngoái.
EVE cũng nhanh chóng lên mức giá cao nhất trong lịch sử
Trong khi đó, KQKD tích cực cùng yếu tố nới room đã giúp cổ phiếu của Everpia Việt Nam lên như diều gặp gió trong những tháng đầu năm 2016. Tranh thủ mức giá cao, RRH cùng quỹ đầu tư “anh em” là Temasia đã mau chóng thoái vốn khỏi Everpia và có lẽ khoản tiền thu về đủ làm hài lòng nhà đầu tư “khó tính” này.
Năm 2016, Everpia đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 32% so với năm trước lên 150 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công kế hoạch, việc cổ phiếu EVE trở thành phiên bản tiếp theo của VCS cũng là điều không quá bất ngờ.
Trí Thức Trẻ