"Doanh nghiệp sốt ruột nhưng thể chế còn đủng đỉnh"
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất...
Phải chăng người dân và doanh nghiệp thì sốt ruột nhưng thể chế đang còn đủng đỉnh?
Đó là vấn đề được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt ra tại hội thảo công bố báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 02 năm 2019 và nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ, góc nhìn từ doanh nghiệp, sáng 17/12.
Hành trình gian nan
Theo Chủ tịch VCCI, 02 và 35 là hai nghị quyết rất quan trọng, có thể coi là công nghệ mới của cải cách, đưa ra những mục tiêu rất cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu chung chung như tăng cường, thúc đẩy, mở rộng.. mà sử dụng bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới làm thước đo cải cách.
Sau những nỗ lực từ 2014 đến 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, kết quả này vẫn chỉ ở mức thường thường bậc trung. Còn nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55).
Nếu chừng nào vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình được. Nhưng nếu muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng nhắc đến hành trình gian gian đó, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, tham vọng của Chính phủ rất lớn, người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột nhưng kết quả có lẽ chưa đạt kỳ vọng của Thủ tướng, khi mà chưa đạt mục tiêu Top 4 của ASEAN.
Cải cách còn khấp khểnh
Nhìn tổng quan, cả Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và ông Đậu Anh Tuấn đều nhận định môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện theo thời gian.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng cải cách còn khấp khểnh. Bên cạnh những, bộ ngành, địa phương làm tốt thì có bộ ngành, địa phương chưa tích cực, thậm chí còn thờ ơ, đối phó.
Về kết quả cụ thể thì thời gian nộp thuế được coi là cải cách nổi bật nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới, gấp đôi khu vực Châu á Thái Bình Dương. Trong khi đó thiết chế bảo vệ doanh nghiệp thì gần như không được cải thiện.
Hơn 40% doanh nghiệp cho biết vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Năm 2018 vẫn có 58,2% các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính... ông Lộc nêu ví dụ và cho rằng đây vẫn là những con số "đau đầu".
Nêu vấn đề phải chăng cải cách đang "giảm nhiệt" trong 2019, ông Lộc dẫn ví dụ trong mục điểm báo của VTV sáng 17/12 có phản ánh phàn nàn của ngành hàng không về việc chậm trễ về thủ tục dẫn đến chậm giải ngân vốn.
Doanh nghiệp thì sốt ruột nhưng thể chế còn đủng đỉnh, phải chăng là như vậy? vốn không vào được thì kinh tế không phát triển được như mong muốn, ông Lộc nói.
Kết thúc phần phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI khái quát, lâu nay thường nghe nói đến nhiều cơ hội vàng, như biển bạc rừng vàng, dân số vàng nhưng những cơ hội vàng này chỉ có thể được khơi dậy bằng thể chế kim cương. Một thể chế minh bạch, toả sáng có khả năng hội tụ thì mới khơi dậy được cơ hội đó, đó cũng là tinh thần của nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.
Sự chững lại của cải cách cũng được nhóm nghiên cứu của VCCI đề cập tại báo cáo đầy đủ. Cụ thể, trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm. Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019 và 2 cải cách trong Doing Business 2020.
Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua, theo Doing Business.
Vneconomy