Doanh nghiệp than Boeing "bó tay" ở Việt Nam, Bộ ra tay sửa quy định
Ba ngày sau Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi thông tin về việc sửa đổi quy định được đánh giá là “Boeing cũng bó tay, không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Việt Nam”.
- 20-05-2017Chuyện tranh thủ quảng cáo, xin hỗ trợ và xin... đi thẳng vào vấn đề ở Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017
- 19-05-2017Thủ tướng: Bác Hồ từng muốn Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc, Hội nghị lần này đã góp một viên gạch vào mong ước đó
- 18-05-2017“Hội nghị Diên Hồng” 2017: Khi Thủ tướng làm liền tay!
Sửa quy định khiến Boeing cũng bó tay
Tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp 3 ngày trước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã gây sốc với ví von: Boeing cũng “bó tay” ở Việt Nam khi nói về quy định sản xuất mũ bảo hiểm. Những tưởng ví dụ đó, chỉ làm “nóng” hội trường trong chốc lát rồi thôi, nhưng hành động cụ thể đã xuất hiện.
Thông tin mới nhận được cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Hơn 1 năm trước, Bộ này đã xây dựng và trình Nghị định số 87 quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm. So với Nghị định 87, dự thảo mới đã loại bỏ quy định về điều kiện đối với hoạt động nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm mà chỉ quy định về điều kiện sản xuất.
Trong thông cáo phát đi, Bộ “nói thật” rằng quy định một doanh nghiệp phải có tất cả các loại máy móc cần thiết như Nghị định 87 đã gây khó cho doanh nghiệp.
Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về khả năng đầu tư tài chính để mua sắm trang thiết bị sản xuất, mặc dù các doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ liên kết từ các doanh nghiệp khác có năng lực.
Do đó, đề giải quyết vướng mắc trên, Bộ sẽ bổ sung quy định về liên kết sản xuất mũ bảo hiểm.
Các doanh nghiệp liên kết sản xuất mũ bảo hiểm phải có có cam kết mang tính ràng buộc pháp lý, có hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng dưới dạng văn bản phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001. Điều này nhằm triển khai biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm theo chuỗi giá trị trong sản xuất.
Chính phủ đã nói là làm
Hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi cho biết các quy định kinh doanh đang là một trong những rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất. Điều này thế hiện rõ trong Hội nghị 3 ngày trước. Cũng ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu rõ các giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã nhìn nhận hàng loạt khó khăn, vướng mắc với doanh nghiệp, nhiều chính sách chưa sát với thực tiễn, thuế, phí còn cao, vấn đề chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, gây thiệt hại và bức xúc không đáng có. Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn…
Do đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu chuyển lời nói thành hành động, với tinh thần không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội.
“Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những cam kết mạnh mẽ, người đứng đầu Chính phủ đã có những việc làm cụ thể. Một ngày trước cuộc gặp với doanh nghiệp, Thủ tướng đã yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng.
Và ngay trong Hội nghị, trước những bức thiết của doanh nghiệp khi nói về thanh kiểm tra chồng chất, nhũng nhiễu hoạt động kinh doanh, Thủ tướng đã ký ngay một Chỉ thị yêu cầu dứt khoát không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong năm.
Cũng trong ngày họp đó, sau 7 tiếng đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tiếp tục làm việc thêm 2 tiếng rưỡi nữa làm việc với lãnh đạo các bộ ngành để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Tại đó, Thủ tướng đã chăm chú lắng nghe dự thảo Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ các nội dụng được đưa ra trong dự thảo liên quan đến các bức xúc của doanh nghiệp đưa ra trong ngày. Những nội dung này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành để ký ban hành.