MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn, vì đâu nên nỗi?

17-10-2017 - 15:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết có 5 vướng mắc chính khiến việc cho vay DNVVN vẫn gặp khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình DN này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo...Cụ thể về lao động hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước...

Nguồn vốn là tiền đề đầu tiên, quan trọng nhất của DN để khởi nghiệp, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa phần DNNVV có nguồn vốn chủ sở hữu thấp, luôn cần đến nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng tuy nhiên hiện nay DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo nghiên cứu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN việc cho vay DNVVN vẫn gặp khó khăn là do có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, xuất phát những khó khăn chung của thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, Trong bối cảnh VN đã tham gia ngày càng sâu vào thương mại toàn cầu vì vậy việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại (ngay trên thị trường trong nước) ngày càng mạnh mẽ. Mặt khác, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, bão lụt ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng đến SXKD của các doanh nghiệp trong đó DNNVV và tới hiệu quả cho vay của các TCTD.

Thứ hai, những hạn chế xuất phát từ chính các DNNVV, cụ thể phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị kinh doanh còn nhiều bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi;

Các DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp BCTC cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn.

Thiếu các TSĐB cho khoản vay theo quy định hoặc TSĐB có giá trị thấp, quyền sở hữu TSĐB không minh bạch. Nhiều tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được chứng nhận tài sản gắn liền với đất hoặc chưa chuyển đối mục đích sử dụng gây khó khăn trong quá trình định giá của ngân hàng.

Một số DNNVV chưa có sự hợp tác với ngân hàng khi vay vốn hoặc có cấu lại khoản nợ đã vay như cung cấp thông tin không chính xác, minh bạch (có tình trạng BCTC nộp cho ngân hàng không đúng với báo cáo thuế...) khi vay vốn và thiện chí trả nợ hoặc xin cơ cấu lại nợ khi tài chính gặp khó khăn. TCTD gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn.

Thứ ba, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Một số TCTD còn thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định phương án SXKD của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà còn nặng về TSĐB cho khoản vay.

Thứ tư, việc duy trì và phát triển SXKD của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống TCTD, trong khi TCTD không có đầy đủ thông tin về DN, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV.

Thứ năm, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các TCTD cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên