Doanh nghiệp thua lỗ, ngân hàng lãi lớn
Báo cáo của VNDirect cho thấy nửa đầu năm 2021, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 16-09-2021Một số ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất huy động
- 15-09-2021Nhiều cổ phiếu ngân hàng đảo chiều lấy lại sắc xanh, STB, CTG, HDB vẫn rơi và bị khối ngoại bán ròng
- 15-09-2021Vốn rẻ chảy vào ngân hàng bất ngờ chậm lại
Ngân hàng Việt thắng lớn thế nào?
Theo VNDirect, từ số liệu kết quả kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) tổng thu nhập lãi thuần tăng 46,1% so với cùng kỳ trong Quý 2/2021 từ nền tăng trưởng thấp của Quý 2/2020, được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% so với cùng kỳ và biên lãi suất (NIM) bình quân tăng 109 điểm cơ bản.
Thu nhập ngoài lãi tăng 36,4% so với cùng kỳ nhờ thu nhập phí thuần tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 34,8% trong Quý 2/2021 từ 36,1% trong Quý 2/2020.
Trong khi đó, tổng chi phí dự phòng tăng 89,5% so với cùng kỳ, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% so với cùng kỳ trong quý 2/2021, thấp hơn mức 77,3% của quý 1/2021.
“Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55,5% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV tăng 42,5% so với cùng kỳ”, VNDirect cho biết.
Hài hoà lợi ích
“Lợi nhuận của các khối ngân hàng rất rất là cao. Vấn đề cần đặt ra sự hài hoà giữa các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng thì lãi, trong khi doanh nghiệp thì khó khăn, khả năng giảm lãi suất của ngân hàng trong thời gian tới cho doanh nghiệp có có khả thi hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến tại phần thảo luận Về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 vào sáng nay (16/9).
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất gói hỗ trợ tín dụng 2.400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
“Chỉ cần bỏ ra 2.400 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 4% có thể huy động 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tại sao gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp chưa được đề xuất”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt dấu hỏi.
Trước phát triển của ông Thanh, trong phần báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ trong thẩm quyền của mình khẩn trương triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp.
“Xem xét khả năng thực hiện giải pháp cấp bù lãi suất hoặc có biện pháp thúc đẩy các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm hơn nữa lãi suất cho vay phù hợp với xu thế giảm lãi suất huy động tiền gửi”, ông Cường đề xuất.
Cho ý kiến về đề xuất gói hỗ trợ tín dụng 2.400 tỷ đồng, theo Phó Thống đốc Ngân hàng NHNN Đào Minh Tú cho biết đây là một giải pháp quan trọng. Bởi thời điểm hiện tại giải pháp gì hỗ trợ được doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều rất cần thiết.
Phó Thống đốc Ngân hàng NHNN Đào Minh Tú
Ông Tú nhấn mạnh trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc NHNN, từ khi có dịch đến trước làn sóng COVID-19 thứ 4, toàn hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp là 17.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ làn sóng COVID-19 thứ 4, 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất cũng đã cam kết gói hỗ trợ lãi suất 20.400 tỷ đồng cho đến cuối năm. Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết hỗ trợ thêm 1.000 tỷ đồng.
“Tổng số tiền mà các ngân hàng cam kết hỗ trợ từ này đến cuối năm khoảng 24.500 tỷ đồng. Số tiền mà các ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp là hơn 8.800 tỷ đồng”, ông Tú cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
VTV.VN