MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong sớm áp dụng chính sách giảm thuế VAT

Trong bối cảnh sức mua suy giảm, doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh gặp khó về đơn hàng, đầu ra sản phẩm, thì những chính sách miễn, giảm, giãn thuế… thật sự là trợ lực hỗ trợ đơn vị sản xuất, kinh doanh, kích cầu sức mua.

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong sớm áp dụng chính sách giảm thuế VAT - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong muốn giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Chính phủ đã đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% đến hết năm 2023, đồng thời giao Bộ Tài chính sớm chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Đây là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp tăng sản xuất, trong khi đó người tiêu dùng sẽ trực tiếp hưởng lợi khi chi tiêu, mua sắm.

Chị Lê Thị Hòa, công nhân trong khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu thuế VAT giảm còn 8%, tôi sẽ tiết kiệm được gần một triệu đồng tiền thuế VAT cho tổng chi tiêu 10 -15 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền tuy không quá lớn nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Theo đó, tôi sẽ tăng mua hàng hóa dịch vụ ở những nơi có mức thuế suất rõ ràng”.

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong sớm áp dụng chính sách giảm thuế VAT - Ảnh 2.

Người tiêu dùng sẽ thấy giảm thuế VAT cụ thể nhất tại các siêu thị, cửa hàng...

Ở góc độc doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, DN rất hoan nghênh chủ trương giảm 2% thuế VAT mà Chính phủ đề xuất. Bởi nền kinh tế hiện nay đang đi vào giai đoạn thách thức, việc giảm 2% sẽ tạo nhiều thuận lợi cho DN, tạo ra hàng hóa dịch vụ rẻ, kích thích tiêu dùng, người sản xuất và cung ứng dịch vụ có cơ hội cung cấp sản phẩm dịch vụ nhiều hơn ra thị trường; song song đó giải quyết được vấn đề lao động cùng nhiều vấn đề xã hội khác.

Tuy nhiên, ông Hiến cũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như thị trường thế giới, việc giảm thuế VAT cần kéo dài thêm đến hết năm 2024 để tạo thuận lợi cho toàn nền kinh tế nói chung và cho DN nói riêng. Vì trong giai đoạn này, chi phí vận hành cao hơn do lạm phát và thiếu hụt nguồn nguyên liệu được dự đoán sẽ có tác động lớn đến ngành chế biến thực phẩm, dẫn đến giá bán lẻ các sản phẩm cao hơn. Do đó, các DN cần phải tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới tập trung vào tính bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng chuỗi cung ứng cũng như số hóa trong sản xuất thực phẩm... Cùng với đó, việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cũng hết sức quan trọng, góp phần tiếp cận khách hàng, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Ủng hộ việc giảm thuế VAT, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cho biết: "Chủ trương giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ kích thích tiêu dùng trong thời gian tới. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ đợt giảm thuế VAT 2% năm 2022 nên lần này kỳ vọng công tác triển khai sẽ nhuần nhuyễn, tránh những tác động không mong muốn khi DN thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Chính phủ cũng cần tính toán đến cả chuỗi cung ứng từ đầu vào cung ứng nguyên liệu đến khâu bán lẻ cuối cùng để thuận lợi cho doanh nghiệp trong áp dụng”.

Kéo dài hơn để tăng độ lan tỏa

Chia sẻ về quy trình giảm thuế VAT, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, chu kỳ giảm thuế VAT nên kéo dài hơn để tăng độ lan tỏa của chính sách. Chính sách ban hành có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu vào giá thành sản phẩm, giá bán hàng hóa.

"Nếu được, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cần kéo dài qua Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm đó, cầu tiêu dùng nội địa tăng mới có thể kích cầu hiệu quả và người tiêu dùng mới được hưởng lợi", ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, để kích cầu tiêu dùng trong nước, cần có chính sách  hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm 2% thuế VAT cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh. Việc triển khai nhanh giảm 2% thuế VAT sẽ tác động trực tiếp tới ngân sách tiêu dùng của khách hàng. Do đó, các DN bán lẻ, nhất là các hệ thống phân phối lớn cần sẵn sàng có giải pháp kỹ thuật để triển khai nhanh trên hệ thống với những hàng hóa sẽ được giảm thuế.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, sự kích cầu tiêu dùng hàng hóa liên quan nhiều ngành nghề nên cần có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ của các hiệp hội ngành nghề ở tầm vĩ mô để tạo nên sự hiệu quả chung trong quá trình kích cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, khi chính sách giảm thuế VAT được thông qua, các cơ quan chức năng liên quan cần triển khai các giải pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép đơn giản hóa các thủ tục để triển khai nhanh đến các nhà bán lẻ, tiêu dùng trong cả nước.

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong sớm áp dụng chính sách giảm thuế VAT - Ảnh 3.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi thuế VAT giảm xuống 8% trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy, khi giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa sẽ giảm. Việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nên giảm thuế VAT trên diện rộng và miễn thuế thu nhập cá nhân ít nhất trong sáu tháng đầu năm 2023. Theo ông Nghĩa, năm 2022 đã giảm thuế VAT xuống 8% nhưng chỉ áp dụng cho một số nhóm ngành, dẫn đến một số khó khăn khi áp dụng. Do vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cần giảm thuế VAT xuống mức 8%, áp dụng cho các lĩnh vực, ngành nghề để kích cầu. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm 2023 đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 201.700 tỷ đồng, đạt 42,96% dự toán năm. Tính đến 19/5, đã giải ngân khoảng 8.400 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 12,34% tổng số vốn giao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 458.000 tỷ đồng; tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 66.700 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh cũng đã thu hút được khoảng 1,14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu ước đạt 16,52 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 21,86 tỷ USD; khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 152,03 triệu lượt; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022...

Theo Hoàng Tuyết

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên