MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Trung Quốc né thuế nhập khẩu của ông Trump bằng các thị trường Đông Nam Á như thế nào?

18-09-2018 - 15:38 PM | Tài chính quốc tế

Mưu mẹo của các doanh nghiệp Trung Quốc làm dấy lên câu hỏi liệu thuế quan có phải là cách hữu hiệu để cân bằng cán cân thương mại hay không.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại vừa có một bước tiến mới và trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết với danh sách các mặt hàng có tổng trị giá 200 tỷ USD bị áp mức thuế 10% từ ngày 24/9. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia phân tích cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ né tránh thuế nhập khẩu bằng cách vẽ lại đường di chuyển của hàng hóa – điều làm dấy lên câu hỏi liệu thuế quan có phải là cách hữu hiệu để cân bằng cán cân thương mại hay không.

Nhớ lại cách đây gần 2 năm, vào tháng 11/2016, Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử một phần là nhờ cam kết sẽ tìm kiếm những thỏa thuận thương mại công bằng hơn cho nước Mỹ. Tháng 1 năm nay, ông chính thức đưa Bắc Kinh vào tầm ngắm khi thông báo đánh thuế máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 7/9, ông nói với các phóng viên rằng mình sẵn sàng đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc ngoài con số 200 tỷ USD đang được xem xét và 50 tỷ USD đã bị áp thuế.

Nhưng liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có thực sự bị tổn thất nặng nề như mong muốn của ông Trump?

Theo Dane Chamorro, chuyên gia đến từ hãng tư vấn rủi ro Control Risks (Singapore), trong ngắn hạn, môi trường bấp bênh như hiện nay thường dẫn đến hành vi né tránh, thậm chí là gian lận để các nhà sản xuất có thể tránh được thiệt hại vì các sản phẩm bị áp thuế có mức biên lợi nhuận rất thấp, đến nỗi mức thuế 10% sẽ thổi bay lợi nhuận. Bên cạnh đó chuỗi cung ứng cần phải có thời gian để điều chỉnh chứ không thể thay đổi chỉ trong 1 đêm.

Ví dụ, hãy nhìn vào ngành mật ong. Trung Quốc là nhà sản xuất mật ong lớn nhất thế giới nhưng từ năm 2001 các công ty Trung Quốc đã phải chịu thuế bán phá giá của Mỹ. Kể từ đó đến nay, họ đã né thuế bằng cách xuất hàng không nhãn mác sang Thái Lan và Việt Nam, sau đó mật ong được đóng chai với xuất xứ từ các quốc gia Đông Nam Á này để xuất khẩu sang Mỹ.

Điều tương tự cũng xảy ra trong ngành công nghiệp gỗ dán. Các kiện hàng được xuất tạm sang Việt Nam, sau đó đóng gói lại rồi xuất sang Mỹ. Các công ty điện tử quy mô nhỏ và vừa của Hồng Kông cũng có thể áp dụng mẹo này nếu như Mỹ mở rộng danh sách đánh thuế.

Nhưng một số người cũng cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp đối phó. Hải quan Mỹ có thể phát hiện ra vấn đề nếu thấy lượng hàng nhập khẩu một mặt hàng đột ngột tăng mạnh từ các nước như Việt Nam, đặc biệt nếu mặt hàng đó trước đây được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.

Thanh Thanh

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên