MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp từ kêu ca chuyển sang hiến kế

Sau nhiều lần đối thoại với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhiều quy định không hợp lý, gây cản trở hoạt động đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà. Trong đó, 30% số DN phản ánh phiền hà trong thủ tục đất đai; 28% DN than phiền hà về thủ tục thuế… Đặc biệt, tỷ lệ DN kêu khó tiếp cận thông tin tại cấp địa phương vẫn còn cao.

Tại Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 diễn ra ngày 26/6, số doanh nghiệp phản ánh bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đã giảm so với những phản ánh tại diễn đàn trước đó. Đại diện cho cộng đồng DN, VCCI đánh giá, cuộc đối thoại giữa DN với Chính phủ đã có thay đổi.

“Lần đầu tiên khi Thủ tướng đối thoại với DN, chủ DN đã rơi nước mắt khi phản ánh khó khăn. Đến nay, DN chuyển từ kêu ca, phàn nàn sang hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng phát triển. Chính phủ chuyển từ tìm cách cởi trói sang kiến tạo hậu thuẫn cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Mặc dù đã cải thiện nhưng cộng đồng DN vẫn đề nghị, cơ quan chức năng tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN. Theo đó, đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ phản ánh, dù cơ quan thuế áp dụng một số thủ tục được kê khai điện tử nhưng DN phải đối mặt với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra và thanh tra về thuế. Thậm chí, có đợt thanh tra, kiểm tra không phù hợp với luật thuế Việt Nam.

Ngoài thủ tục thuế, các DN còn kiến nghị vướng mắc liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phản ánh, yêu cầu kiểm định từng lô đối với ngành kinh doanh ô tô không phù hợp, cần bãi bỏ. Hiệp hội này dẫn chứng, Thông tư 41/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT (Thông tư 41) về quy trình đăng kiểm với tất cả các phụ tùng đã được lắp đặt sẵn trong tất cả các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc (đã được chứng nhận đăng kiểm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam) không cần thiết.

“Toàn bộ lô hàng phụ tùng nhập khẩu bao gồm các phụ tùng, linh kiện bị điều chỉnh bởi quy định của Thông tư 41 đều bị hoãn lại mà không có lý do, kéo theo sự chậm trễ và chi phí cho khách hàng Việt Nam”, Eurocham phản ánh.

Một trong những kiến nghị được nhắc lại nhiều tại VBF giữa kỳ năm 2019 là việc tiếp tục cải cách pháp lý và duy trì sự ổn định cho nhà đầu tư. Theo đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), sự thay đổi thường xuyên quy định và chính sách khiến hoạt động kinh doanh của DN gặp khó khăn. Thậm chí, nhà đầu tư buộc phải “đóng cửa” DN khi có quy định mới. Từ thực tế này, Amcham kiến nghị, sau khi Luật Đầu tư sửa đổi nên ban hành các điều khoản bảo vệ hoạt động kinh doanh đã được cấp phép.

Đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN. Khảo sát năm 2018 cho thấy, có 16% số DN phải chờ hơn một tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để hoạt động. DN gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép để hoạt động. Tiêu biểu như 34% số DN gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có 30% số DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.

Điều tra của VCCI cho thấy, một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà: 30% số DN phản ánh gặp phiền hà trong khi làm thủ tục về đất đai; 28% DN kêu phiền hà về thủ tục thuế… Đặc biệt, tỷ lệ DN khó tiếp cận thông tin tại cấp địa phương vẫn còn cao. Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin của kế hoạch mua sắm công là 60%; lĩnh vực quy hoạch đất là 58%...

“Vẫn có tới 69% số DN cho biết họ “cần có mối quan hệ để có được các tài liệu của tỉnh”, ông Lộc phản ánh.

Cần vốn tư nhân cho hạ tầng

Một trong những điểm nổi bật được cộng đồng DN, cơ quan chức năng kiến nghị tại VBF lần này là quy định liên quan chính sách của hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng (HT).

Theo nhóm công tác về hạ tầng (VBF), mức chi tiêu cho phát triển HT trên đầu người của Việt Nam khoảng 107 USD, chỉ cao hơn Campuchia và Philippines. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá nhanh tạo sức ép ngày càng lớn lên HT. Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam tương đương 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020. Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, để phát triển bền vững HT, Việt Nam cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân tài trợ cho các dự án.

Để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào HT, các hiệp hội DN kiến nghị khung chính sách về hình thức đối tác công tư (PPP) cần thay đổi. Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI) cho rằng, nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình PPP. Để khuyến khích DN nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần chia sẻ rủi ro với DN.

“Trong mô hình PPP, DN tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển HT thay cho Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư để họ có thể thu hồi vốn sau khi mạo hiểm thực hiện đầu tư”, ông Nobufumi Miura cho biết.

Cùng quan điểm, Eurocham cho rằng, để thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP hiệu quả, cơ quan chức năng cần minh bạch, dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, không phải là dự án của Chính phủ. Vì vậy, các dự án này chủ yếu tuân theo các quy định pháp luật thông thường.

Cẩn trọng nguy cơ là bãi rác thải công nghệ

Bên cạnh kiến nghị để hút vốn đầu tư vào hạ tầng, đại diện DN cũng cảnh báo về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Theo VCCI, Việt Nam cần cảnh giác với xu hướng trở thành bãi rác thải công nghệ của thế giới.

“Công nghệ thế giới thay đổi nhanh, nếu chúng ta cứ mãi đi sau, bên cạnh nền kinh tế có công nghệ cao và thay đổi liên tục sẽ không có sức cạnh tranh cả trong nước lẫn thế giới. Đây là điều mà địa phương, bộ ngành, DN khi lựa chọn thu hút đầu tư cần chú ý, lựa chọn đầu tư FDI thận trọng hơn. Đã đến lúc, cơ quan chức năng lựa chọn đầu tư nước ngoài tính toán ở phương diện tổng quy mô kim ngạch chứ không tính toán ở thu ngân sách, cần tính đến tác động toàn diện của xã hội từ việc làm, lao động, chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Sau khi lắng nghe kiến nghị của DN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh và thông thoáng hơn để huy động nguồn lực của DN cho đầu tư phát triển.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho DN và người dân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất DN”, Phó Thủ tướng cho biết.

“Vẫn có tới 69% số DN cho biết, họ cần có mối quan hệ để có được các tài liệu của địa phương. Có 30% số DN phản ánh gặp phiền hà trong thủ tục về đất đai; 28% DN gặp phiền hà với thủ tục thu thuế...”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên