MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tư nhân còi cọc, chậm lớn bởi nạn “vòi vĩnh vặt”

Mặc dù Chính phủ quyết liệt, nhưng sự chậm đổi mới của các bộ, ban, ngành và các địa phương là một trong những nguyên do khiến nạn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vẫn hết sức trầm trọng.

Trong khi đó, gần 3 năm qua, kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp , lắng nghe ý kiến của các doanh nhân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà DN gặp phải, đặc biệt là về thủ tục hành chính.

"DN tư nhân bị coi là đối tượng để hạch sách, quấy nhiễu"

Trong kế hoạch tổng thể triển khai "Cơ chế một cửa quốc gia", giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia... 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử...

Tuy nhiên, cho đến nay, việc cởi trói cho các DN, đặc biệt là các DN tư nhân vẫn không chuyển biến như kỳ vọng của Chính phủ, mới chỉ có 11 bộ, ngành đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục", trong khi Chính phủ yêu cầu mục tiêu đến cuối năm là 143 thủ tục.

Việc triển khai chưa đi vào thực chất, khiến một bộ phận cán bộ, công chức có điều kiện để gây khó khăn, nhũng nhiễu DN. Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - thẳng thắn nêu ý kiến: Sự tùy ý, tùy tiện của một số công chức đã coi DN là đối tượng để kiểm soát chứ không phải là đối tác để phát triển; thậm chí có công chức còn coi DN là đối tượng để hạch sách, quấy nhiễu chứ không phải là đối tượng để giúp đỡ, hỗ trợ.

Gánh nặng "phí ngoài luồng" và các rào cản mềm từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã khiến không ít DN tư nhân bị thiệt hại, thậm chí không lớn nổi.

Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra… khiến các DN mất thời gian tiếp đón, thậm chí "lót tay". Nạn "vòi vĩnh" vặt, gây khó khăn để được "bôi trơn" đã là nỗi ám ảnh đối với các DN.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói sòng phẳng, chính bản thân một số DN cũng làm "hư" công chức. Nguyên nhân của thực trạng DN phải chi khoản lớn phí bôi trơn là một bộ phận người thi hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho DN, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ. Từ phía DN, chạy theo xu thế kinh doanh bằng "quan hệ" thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động "chi ngầm" để có được các thuận lợi trong kinh doanh, tạo thói quen vòi vĩnh cho công chức.

Doanh nghiệp tư nhân còi cọc, chậm lớn bởi nạn “vòi vĩnh vặt” - Ảnh 1.

Cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện để các DN tư nhân không bị lỡ mất cơ hội làm ăn. Ảnh: P.V

Quyết liệt xóa bỏ nạn nhũng nhiễu, cởi trói để DN phát triển

Để xóa bỏ các vấn nạn trên, theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cần ưu tiên hàng đầu để tạo sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở cơ sở, địa phương nơi các DN hoạt động trực tiếp. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ với Chính phủ điện tử; đội ngũ cán bộ công chức phải có văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với DN tới làm thủ tục, chống hiện tượng "vòi vĩnh" vặt.

Ông Nam cho rằng, DN kỳ vọng có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở các địa phương. Đặc biệt, đẩy mạng áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ với Chính phủ điện tử. Những thủ tục nào có thể áp dụng công nghệ thông tin thì phải áp dụng ngay.

Muốn tạo chuyển biến thì lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương phải đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt. Đồng bộ về chính sách, nhất quán trong việc thực hiện và xuyên suốt trên hành lang pháp lý, chỉ đạo, điều hành.

Ông Vũ Tuấn Anh - chủ một DN tư nhân chuyên xuất khẩu than tại Quảng Ninh - khẳng định: Cơ quan quản lý cần thúc đẩy nhanh việc đồng bộ điện tử hoá sẽ giúp nhà nước quản lý tốt hơn, sự tuân thủ pháp luật sẽ tốt hơn. Khi điện tử hoá các dịch vụ công, người dân, DN được phục vụ, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng và sẽ giảm được chi phí cho DN. "Muốn xóa bỏ điều này, cần phải tăng tính minh bạch trong các loại thủ tục hành chính"- ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

- Theo đánh giá tổng thể của Thornton về Môi trường đầu tư Việt Nam công bố vào tháng 4.2018, Việt Nam đang đứng số 1 về mức độ hấp dẫn đầu tư so với các nước ASEAN khác. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017-2018 cũng cho biết Việt Nam xếp thứ 55 trong số 138 nền kinh tế được xếp hạng về năng lực cạnh tranh, tăng 5 bậc so với năm 2016-2017. Mặc dù vậy kết quả khảo sát của Thornton cũng cho thấy, quy định, thủ tục và tham nhũng vẫn là hai thách thức quan trọng nhất khi đầu tư vào Việt Nam.

- Theo kết quả số liệu thống kê, 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 DN đăng ký thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017; có 22.897 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2018 lên hơn 119,5 nghìn DN.

Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 DN, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Phong Nguyễn

Theo Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên