Doanh nghiệp tư nhân thua lỗ vì gặp quá nhiều rào cản?
Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nướ khi tiếp cận về đất đai, tín dụng…
Doanh nghiệp tư nhân “đói” vốn và đất đai
Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Trong 3 nhóm doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Doanh nghiệp tư nhân cần hỗ trợ để phát triển mạnh hơn. (Ảnh minh họa: KT)
Theo đánh giá của PGS. TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), một trong những bất lợi trong kinh doanh mà khu vực DNTN đang phải đối mặt là khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp đơn vay vốn, trong đó DNTN có tỷ lệ nộp đơn vay vốn là 68%.
Có sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các DN nhỏ và vừa và các DN lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước khi tiếp cận nguồn lực. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ thuộc DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là DN thuộc sở hữu Nhà nước.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 mà VCCI vừa công bố cũng cho thấy, quy mô vốn và lao động trung bình của các DNTN nhỏ đi đáng kể.
Vai trò tạo việc làm của khu vực tư nhân cũng chủ yếu là thông qua các doanh nghiệp thành lập mới, với quy mô lao động ở mức thấp lịch sử, chỉ 17 lao động bình quân mỗi doanh nghiệp.
Theo số liệu điều tra PCI năm nay, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Những con số này cho thấy khu vực tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước.
Cần cơ chế nhất quán, minh bạch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC (CNC Tech) nhận định, hầu hết các DNTN không có khả năng tiếp cận với ưu đãi về đất đai, trong khi khu vực FDI được ưu tiên nhiều hơn. Chính vì không nhận được ưu đãi về đất đai mà các DNTN này cũng khó tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc CNC Tech |
“Nhiều DNTN phải thuê đất đai, nhà xưởng nên tài sản không được ghi nhận, không có tài sản đảm bảo nên không dùng để thế chấp được khi vay vốn ngân hàng,” ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, nhà nước nên có ưu đãi theo ngành nghề và có cơ chế chính sách nhất quán, minh bạch để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNTN vốn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh với quy mô còn hạn chế.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”, do VCCI tổ chức mới đây, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học kinh tế (ĐHQGHN) cho rằng, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến là thủ tục hành chính, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...
Theo ông Sơn, vấn đề quan trọng nữa là đội ngũ quản lý trong các DNTN còn hạn chế, nhiều trường hợp chỉ tốt nghiệp trung học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ hộ gia đình.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng cũng đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm lại, số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao.
Thủ tướng lưu ý: Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.../.
VOV