MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải hành khách 'cầu cứu' vì dịch COVID-19

29-07-2021 - 07:04 AM | Doanh nghiệp

Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch COVID-19 liên tiếp, thì đợt dịch thứ 4 lại ập đến, khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách hầu hết lâm vào tình cảnh điêu đứng, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Giống như bao lĩnh vực khác, ngành vận tải hành khách cũng đang lâm vào tình cảnh điêu đứng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt, trong thời gian gần đây do đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách phải ngừng hoạt động để thực hiện chỉ thị phòng chống dịch.

Chia sẻ với Nhadautu.vn , anh Bùi Văn Tư (ngụ quận 8, TP.HCM) là tài xế của một công ty vận tải hành khách và hàng hóa (tuyến TP.HCM – Đồng Nai và ngược lại) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhà xe đã tạm ngưng hoạt động từ cuối tháng 5/2021 đến nay nên anh đang phải ngồi nhà gần 2 tháng qua vì không có việc làm.

“Cuộc sống của cả gia đình, chủ yếu trông chờ vào thu nhập của tôi từ nghề làm tài xế, tuy nhiên, mọi thứ đã bị đảo lộn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Lương thì bị giảm hơn 1 nửa trong khi mọi chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà,.. đang là áp lực đối với tôi. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, công ty không trả lương thì không biết lúc đó cuộc sống của gia đình tôi sẽ ra sao", anh Tư chia sẻ.

Ngoài ra, anh Tư cũng cho biết thêm, công ty có đến 30 nhân viên nhưng từ năm 2020 đến nay, do có đến 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát vì không có hành khách nên số nhân viên của công ty đã giảm xuống còn 14 người, hiện tại hoạt động chủ yếu là vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, do không có doanh thu nên công ty không đủ tiền để trả lương, thậm chí còn phải nợ lương của nhân viên.

 Doanh nghiệp vận tải hành khách cầu cứu vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng loạt xe khách của nhà xe Tân Quang Dũng "phủ bạt" ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thất, Giám đốc Công ty xe khách Tân Quang Dũng (hoạt động tại Bến xe An Sương, TP.HCM) cũng đang “kêu trời” vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn 2 tháng nay toàn bộ xe vận chuyển hành khách của công ty đều nằm yên tại bãi không thể hoạt động, còn nhân viên công ty có trên 50 người đã phải tạm nghỉ việc, tiền lương tài xế cũng giảm từ 15 triệu đồng xuống còn 2-3 triệu đồng/người/tháng.

“Công ty chúng tôi mới thành lập cách đây không lâu, phần lớn số tiền đầu tư vào xe cộ đều vay mượn ngân hàng, nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cho mọi hoạt động từ vận chuyển hàng hóa, hành khách đều bị ngưng lại. Công ty hiện không có doanh thu, nhưng đang phải gánh một số tiền rất lớn từ việc trả lãi ngân hàng, các thứ thuế, tiền lương nhân viên,… thật sự quá khó khăn”, ông Thất chia sẻ.

Bên cạnh đó, thông tin với Nhadautu.vn , Giám đốc Công ty xe khách Tân Quang Dũng cũng cho biết, ông đã có đơn “cầu cứu” gửi lên các sở, ban ngành để nhờ hỗ trợ, tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi hay hỗ trợ nào từ phía các đơn vị nhà nước.

“Chúng tôi chỉ mong các cơ quan, ban ngành có những cơ chế, chính sách để giúp công ty mình, cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành vận tải có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mặt khác, cũng mong phía ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian đóng các khoản vay dư nợ,… vì đa số các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều phải vay vốn ngân hàng, nếu không được hỗ trợ nguy cơ phá sản là rất cao”, ông Phan Văn Thất bày tỏ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vận tải hiện nay, khi còn chưa kịp phục hồi sau hơn 1 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19, thì đến thời điểm này lại tiếp tục lao đao vì dịch bùng phát và diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 giảm 26,8%) và luân chuyển 78,8 tỷ lượt khách.km, giảm 5,7% (năm 2020 giảm 31,7%). Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.813,4 triệu lượt khách, giảm 0,6% và 78,3 tỷ lượt khách.km, tăng 5,6%; vận tải ngoài nước đạt 94,9 nghìn lượt khách, giảm 96,5% và 480,3 triệu lượt khách.km, giảm 94,9%.

Trong đó, vận tải hành khách đường bộ 6 tháng đạt 1.675,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước và 61,8 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 0,8%.

Măt khác nếu so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sản lượng vận chuyển 6 tháng đầu năm 2021 giảm 27,3% và luân chuyển giảm 35,6%.

Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xem xét tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đến hết ngày 31/12/ 2021.

Đồng thời, kéo dài đến hết năm 2021 đối với Thông tư số 74/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các ôtô kinh doanh vận tải hành khách (ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải 10 hành khách công cộng) được giảm 30%, ôtô tải kinh doanh vận tải (ô tô tải, ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo) được giảm 10%.

Bên cạnh đó, tiếp tục có thêm những giải pháp để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất - kinh doanh như: giảm thuế GTGT về 0%, giảm 50% thuế thu nhập, giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng…

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên