Doanh nghiệp vận tải kiến nghị hoãn quy định lắp camera từ 1/7
Nếu triển khai lắp camera đồng loạt trước tháng 7 và đưa vào vận hành, doanh nghiệp thông tin, sẽ phải chi khoảng 6 triệu đồng cho 1 xe vận tải hàng hóa và 9 triệu đồng cho 1 xe vận tải hành khách.
- 03-06-2021Có phải đóng phí khi làm lại thẻ CCCD do sai thông tin?
- 03-06-2021Tháng 5/2021, thu ngân sách ước đạt 73.000 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ nhờ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
- 03-06-2021Kịch bản mới nhất của Quy hoạch điện 8: Năm 2045, công suất điện gió và mặt trời có thể lên đến 42%
Vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) đã công bố báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 4-5/2021.
Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải ô tô nhận định, yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên các xe kinh doanh vận tải trước thời hạn 1/7 của Bộ Giao thông vận tải gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền chi ra trong bối cảnh dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh, quy định lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải là hợp lý. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời điểm dịch bệnh này là bất cập.
Cụ thể, trong trường hợp triển khai lắp camera đồng loạt trước tháng 7 và đưa vào vận hành, doanh nghiệp thông tin, sẽ phải chi khoảng 6 triệu đồng cho 1 xe vận tải hàng hóa và 9 triệu đồng cho 1 xe vận tải hành khách.
Báo cáo nêu rõ: "Như vậy, mỗi doanh nghiệp có khoảng 100 xe sẽ phải chi đến 600-900 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí đầu tư hệ thống công nghệ thông tin. Đây là chi phí quá lớn khi doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn tiền để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch kéo dài".
Bên cạnh đó, thiết bị camera trên thị trường hiện nay rất đa dạng về thương hiệu và thông số kỹ thuật, chưa theo một tiêu chuẩn thống nhất nào. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn lo ngại thiết bị triển khai lắp có thể không đạt yêu cầu theo quy định. Quy định xe trung chuyển chỉ hoạt động trong phạm vi bán kính không quá 10 km cũng phải lắp camera sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, trong khi mục tiêu quản lý chưa thật cần thiết.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cân nhắc tính cần thiết, cấp thiết của quy định lắp camera từ 1/7 so với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh dịch để có quyết định thực sự thấu đáo.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi Thông tư 12 hoặc có hướng dẫn chi tiết về mặt kỹ thuật khi triển khai cho từng đối tượng doanh nghiệp. Cùng với đó, đề nghị Bộ xây dựng công bố minh bạch quy trình xử lý dữ liệu truyền tải từ các camera gắn trên các xe vận tải; quy trình xử lý sự cố nếu quá tải.
Trong báo cáo doanh nghiệp, hiệp hội cũng phản ánh những bất cập về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. HCM và TP Hải Phòng.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, quy định thời hạn đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trước ngày 1/7.