Doanh nghiệp vận tải lỗ nặng
Chỉ trong thời gian hơn 1 năm, dịch COVID-19 4 lần bùng phát, lần sau tác động nghiêm trọng hơn lần trước và đều vào các dịp cao điểm đi lại. Với lần thứ 4 này, các doanh nghiệp vận tải như bị “bồi thêm cú đấm”, sống chật vật, lỗ nặng.
- 12-05-2021Bi thảm vì Covid, doanh nghiệp vận tải còng lưng “gánh” thêm phí
- 23-04-2021Giá cước tăng không kiểm soát, thị trường vận tải hàng không sẽ ra sao trong tuần tới?
- 23-04-2021Tắc vốn cho bảo trì đường sắt, Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Hàng không, đường sắt, vận tải doanh thu chỉ còn 30%-50%
Với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hiện toàn mạng đường sắt quốc gia chỉ còn 2 đoàn tàu khách hoạt động và khoảng 10 đoàn tàu hàng mỗi ngày. Trong khi, thời điểm chưa có dịch bệnh, mỗi ngày, riêng tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM khai thác 40 đoàn tàu (chưa kể các tuyến đường nhánh).
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, lượng khách đi tàu những ngày gần đây giảm tới 90% so với trước thời điểm dịch tái bùng phát. Cụ thể, trong ngày 13/5, tàu khách chỉ thu 600 triệu đồng tiền vé, tàu hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng, trong khi bình thường tổng doanh thu đường sắt mỗi ngày trên 10 tỷ đồng. Tàu khai thác giảm, 50-60% lao động phục vụ chạy tàu phải nghỉ luân phiên.
Với hàng không, Vietnam Airlines cho biết, khi dịch chưa tái bùng phát, ngày cao điểm hãng khai thác 500 chuyến bay nội địa, nay chỉ duy trì khoảng 65 chuyến/ngày (tương ứng mỗi đường bay chỉ còn 1 chuyến/ngày). Tỷ lệ lấp đầy ghế mỗi chuyến bay cũng chỉ đạt 50%.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cho biết, khách qua sân bay này giảm mạnh những ngày gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, dịp lễ 30/4 - 1/5, ngày cao điểm nhất sân bay phục vụ 540 chuyến bay với 79.000 hành khách. Từ khi dịch tái bùng phát, bình quân chỉ còn 200 chuyến bay với 15.000 khách/ngày. Thậm chí ngày 12-13/5, sân bay lớn thứ nhì của Việt Nam chỉ có 90 chuyến bay nội địa với 9.000 khách. “Dự kiến số lượng chuyến bay và khách qua cảng tiếp tục giảm trong những ngày tới”, lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài nhận định.
Trên đường bộ, ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Hoàng Hà (xe khách, taxi, xe buýt…) cho biết, Thái Bình thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, riêng mảng cho thuê xe du lịch dừng hẳn. Với xe khách liên tỉnh, mỗi chuyến xe chở khách bằng nửa số ghế, nhưng thực tế chỉ có 10-20% khách. Khi chưa có dịch, công ty khai thác 200 chuyến xe/ngày cho tuyến Thái Bình - Hà Nội, nay chỉ duy trì 20-30 chuyến/ngày. Tương tự, với xe buýt và taxi, công ty giảm số phương tiện khai thác còn một nửa so với bình thường. Trong quý 1 vừa qua, công ty lỗ khoảng 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 (chưa có dịch COVID-19), lãi khoảng 4 tỷ đồng; còn cả năm 2020 lỗ 66 tỷ đồng.
Xin hỗ trợ để vượt qua khó khăn
Về tác động của dịch lên doanh nghiệp, ông Lưu Huy Hà phải thốt lên: “Kinh khủng! không biết còn trụ được tới bao giờ, chỉ biết cố được tới đâu hay tới đó. Vận tải khách liên tỉnh chỉ duy trì mức tối thiểu, có chạy cũng không có khách”.
Với người lao động, doanh nghiệp phải áp dụng làm việc luân phiên, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập bằng lương tối thiểu, tạm duy trì cuộc sống. Để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đã sử dụng các quỹ kết dư dự phòng hỗ trợ 1 phần thu nhập bị cắt giảm. Các doanh nghiệp vận tải cũng tăng cường biện pháp phòng chống dịch, như khẩu trang, nước rửa tay, phun khử trùng phương tiện sau mỗi ngày phục vụ...
Đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế, tạm thời miễn thuế giá trị gia tăng; miễn tiền đóng bảo hiểm với người lao động đang dừng hợp đồng, người lao động phải làm việc luân phiên; các ngân hàng khoanh nợ và giảm lãi suất... “Hy vọng Chính phủ có thể xem xét cho khoanh nợ thuế năm 2020-2021, để sang năm 2022 trả dần, thay vì chỉ hoãn và cuối năm vẫn phải nộp”, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, cả 4 lần dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta đều đúng vào cao điểm đi lại lễ, tết, hè, nên doanh nghiệp vận tải, trong đó có đường sắt thiệt hại nặng nề. Với thực tế lượng khách giảm tới 90%, để bù hụt thu, đường sắt đã đẩy mạnh khai thác tàu hàng. Bên cạnh đó, phí bảo trì đường sắt cũng được giảm từ 8% xuống 4% trên tổng doanh thu, cũng giúp đường sắt giảm chi phí. “Dự kiến năm nay tổng công ty sẽ lỗ từ 700 - 1.000 tỷ đồng”, ông Minh nói.
Ông Minh bày tỏ hy vọng Chính phủ có thể sớm quyết định việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021, và gia hạn niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm để vượt qua khó khăn do dịch bệnh. VNR xúc tiến làm việc với các ngân hàng để vay cho các công ty vận tải đường sắt làm vốn lưu động, do dòng tiền sắp hết.
Với hàng không, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, đang khẩn trương triển khai thủ tục để được giải ngân gói 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn. Dự kiến, những khoản tiền đầu tiên có thể được giải ngân vào đầu tháng 6 tới. Còn gói 8.000 tỷ đồng dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn, vẫn đang hoàn thiện thủ tục nên chưa rõ thời gian có thể triển khai.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, hiện các doanh nghiệp taxi trực thuộc hiệp hội chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, do vắng khách. Theo ông Hùng, số xe còn hoạt động giảm doanh thu hơn 1 nửa. Vị này dẫn chứng, bình thường 1 taxi chuyên phục vụ đưa/đón khách tại sân bay Nội Bài có thể đạt doanh thu hơn 1 triệu đồng/ngày, nay chỉ còn khoảng 400 nghìn đồng/ngày.
Tiền phong