Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài: Người thu 3 tỷ USD, người phải đóng cửa dự án
Năm 2022, Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng). Trong khi đó, một thương hiệu bán lẻ vừa quyết định rút dự án kinh doanh về nước.
- 20-02-2023Thu hút vốn từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu
- 20-02-2023Bình Dương: 1 năm có hơn 600 doanh nghiệp giải thể
- 20-02-2023'Ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác'
Năm 2022, Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng). Trong khi đó, một thương hiệu bán lẻ vừa quyết định rút dự án kinh doanh về nước.
Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo trong năm 2022 đạt doanh thu hợp nhất đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,1%. Mức tăng trưởng này đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng.
Tòa nhà Unitel tại Thủ đô Vientiane (Lào). Ảnh: Dy Khoa.
Nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được Viettel duy trì khi tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam với 54% thị phần. Còn hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng, tương đương với viễn thông trong nước).
Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 lên tới gần 500 triệu USD, cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.
Metfone tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp và trên 30.000 lao động gián tiếp, với thu nhập bình quân ở mức cao hơn so với mặt bằng chung ở "đất nước Chùa Tháp."
Mặc dù ngành viễn thông thế giới bão hòa nhưng Metfone vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng về cả doanh thu, lợi nhuận và được định giá lên tới 1 tỷ USD.
Tại Lào, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 10/2009 với thương hiệu nhà mạng Unitel. Hiện Unitel là nhà mạng viễn thông lớn nhất, một trong những công ty đóng góp ngân sách nhiều nhất, tạo uy tín rất lớn với Chính phủ và nhân dân Lào, được Đảng và Chính phủ hai nước ghi nhận là hình mẫu điển hình cho hợp tác kinh tế. Trung bình mỗi năm, Unitel nộp ngân sách nhà nước Lào 53 triệu USD. Đặc biệt, Unitel là doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm lớn nhất tại Lào với hơn 27.000 lao động.
Nếu như kế hoạch đầu tư ra nước ngoài khá thuận lợi với Viettel, thì với doanh nghiệp khác, tình hình buộc họ phải có những bước tái cơ cấu mạnh mẽ.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) - cho biết, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động sẽ quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia sau 6 năm hoạt động để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác. Tại Campuchia, Thế Giới Di Động có các cửa hàng Bluetronics - một mô hình tương tự như Điện Máy Xanh ở Việt Nam. Theo công bố của MWG, tính tới ngày 31/3/2022, Bluetronics có 44 cửa hàng ở Campuchia.
Theo ông Hiểu Em, đây không phải mô hình quá tệ. Tuy nhiên, thị trường Campuchia quá nhỏ, chính sách thuế phức tạp. Với Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động, khi vận hành ở Campuchia, nếu áp dụng đúng chính sách thuế ở đây thì phải bán cao hơn thị trường 10 - 15%. Nếu giảm xuống 10 - 15% để đua theo thị trường thì không có lãi. Còn nếu bán đúng giá thì không có cạnh tranh, khi thị trường tại Campuchia lại khá nhỏ.
Một cửa hàng Bluetronics tại ngoại ô Phnom Penh - Campuchia, chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Dy Khoa.
“Sau gần 6 năm hoạt động, MWG đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý I/2023 để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác”, ông Hiểu Em nói.
Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng/tháng.
Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
Doanh thu của chuỗi liên tiếp tăng trưởng ba chữ số trong nhiều năm và đạt đỉnh gần 500 tỷ đồng vào 2021. Dù vậy, mức này đóng góp chưa đến 0,5% tổng doanh thu của công ty. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, Thế giới Di động tại Campuchia cũng lỗ liên tục từ 2017 đến nay. Trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường