MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt phát triển thành “bó” hay bị “bẻ gãy” từng chiếc?

Đó là ví von đầy đau đớn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trước tình cảnh doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay, vừa đối phó với kinh tế núp bóng của thương lái Trung Quốc (TQ) vừa lo sợ viễn cảnh DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam (VN) sau các hiệp định vừa có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực như AFTA và TPP.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Bài học liên kết từ các doanh nghiệp

Xin bắt đầu bằng câu chuyện của ông Năm “Sài Gòn”, người có xưởng chế tạo phụ tùng ô tô tại Phú Nhuận và Hóc Môn, TP.HCM, hàng của ông phủ gần kín các gara sửa xe lớn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ông Năm “Sài Gòn” dẫn tôi đi xem các phân xưởng, đưa ra các hợp đồng cung ứng phụ tùng ô tô của những công ty lớn… rồi than thở: “Lao đao lắm, DN Việt mệt mỏi lắm với gian thương TQ”.

Hóa ra, người TQ vào VN, không làm thủ tục đầu tư kinh doanh mà núp bóng các DN Việt để triệt hạ DN Việt. Thủ pháp như nhau, giá cực rẻ và chung chi để né thuế. “Như bộ đề xe ô tô, họ bán chỉ bằng 1/3 giá thị trường thì không có DN Việt nào trụ nổi đến 3 năm…”, ông nói.

Ông Năm “Sài Gòn” cho biết, nhờ liên kết với các gara uy tín và nhờ vào thương hiệu, sự tin tưởng của các chủ xe nên DN của ông vẫn trụ vững. Phụ tùng của ông tuy đắt gấp đôi hàng TQ núp bóng hàng Việt nhưng vẫn rẻ hơn phụ tùng chính hãng và chế độ hậu mãi tốt nên vẫn có thị trường.

Bài học tồn tại của ông Năm “Sài Gòn” cũng là bài học cho doanh thương VN, phải liên kết lại, hướng tới quyền lợi người tiêu dùng thì mới tồn tại và phát triển được.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Gian thương và thâu tóm

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao - báo động: “Chen Ming Qiang - người Trung Quốc - xin thị thực nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái ngày 14.1 với mục đích du lịch nhưng lại đi tuốt xuống mũi Cà Mau để thu mua cua trên địa bàn. Hắn bị UBND tỉnh phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng.

Ba năm trước, đi cùng đoàn DN theo phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tới Cà Mau, tôi nghe bà con than thở đang bị thương lái Trung Quốc giựt nợ tiền bán cua đến mấy tỉ đồng. Từ đó đến giờ, thỉnh thoảng đến các địa phương, vẫn cứ nghe chuyện mấy ông kẹ đội lốt du lịch này”.

Mấy hôm trước, báo chí đưa tin, người Trung Quốc khuynh đảo du lịch Nha Trang. Rằng hiện nay, “người Trung Quốc không mở DN, chẳng xin giấy phép đầu tư mà núp bóng các chủ DN Việt, thật sự đang nắm giữ hết các cơ sở kinh doanh để phục vụ người TQ”. Đại tá Trần Văn Nghĩa - Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa - nói tại cuộc họp ngày 26.5: “Thực tế họ là những ông chủ bên TQ qua đây chỉ huy toàn bộ hoạt động từ bố trí cho khách ở khách sạn nào, đưa đến mua sắm chỗ nào, đi chơi ở đâu…”.

Được đằng chân lân đằng đầu, gần đây, Nha Trang nổi lên hiện tượng một số cơ sở dịch vụ chỉ phục vụ du khách TQ, lấy lý do không đủ nhân viên để từ chối phục vụ người Việt.

Vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng là họ chỉ giao dịch bằng nhân dân tệ (bị cấm trên bất cứ quốc gia có chủ quyền nào). Lộng hành hơn, họ còn dán mác (giả) hàng Việt lên hàng Trung Quốc chất lượng kém hay hàng giả, để nâng giá bán lên hàng chục lần làm ảnh hưởng uy tín hàng Việt.

Thị trường bán lẻ bị người Thái Lan thâu tóm

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ VN cũng bị người Thái Lan thâu tóm dần dần bằng những thương vụ âm thầm nhưng hết sức khôn ngoan.

Tháng 1.2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) đã hoàn tất việc mua lại quyền kiểm soát Phú Thái Group, một tập đoàn tư nhân của Việt Nam chuyên về phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng. Tháng 6.2013, BJC mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

Tháng 1.2016, hệ thống siêu thị METRO Cash&Carry Việt Nam rơi vào tay TCC Land International Pte. Ltd., công ty con thuộc TCC Holding Co. Ltd., một tập đoàn cũng của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, với giá 655 triệu euro.

Cuối tháng tư vừa qua, giới DN cũng như dân chúng Việt Nam bàn tán xôn xao trước thông tin chuỗi siêu thị Big C rơi vào tay tập đoàn Central Group của tỉ phú Tos Chirathivat đến từ Thái Lan với mức giá 1,14 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 800 triệu USD mà người ta dự báo trước đó.

Hệ quả của việc thâu tóm này là việc hàng VN sẽ không còn chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ, không có đầu ra. Một cái chết báo trước chăng?

Các sản phẩm của Thái Lan chiếm vị trí áp đảo trong các siêu thị do người Thái làm chủ. Không khó để nhận ra, đưa hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mới là mục đích chính, mục đích chiến lược của các ông chủ Thái Lan đằng sau cuộc đổ bộ ồ ạt của họ vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Mongkol Banthrarungroj - Giám đốc điều hành TCI, đơn vị sở hữu B’mart - nói: “Hơn 70% hàng hóa tại B’mart sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam.”

Và người TQ với tính toán doanh thương đầy khôn ngoan của mình cũng không bỏ qua cơ hội này. Không bằng lòng với việc buôn bán cò con hay gặp rắc rối về pháp lý của các thương lái TQ, gần đây, họ đã bắt đầu tấn công vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Cách đây hơn 1 tháng, Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba bỏ ra 1 tỉ USD để mua cổ phần chi phối Lazada, sàn thương mại điện tử đang nắm giữ vị trí dẫn đầu tại Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác.


Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2015 “kết nối doanh nghiệp thương hiệu Quốc gia - nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2015 “kết nối doanh nghiệp thương hiệu Quốc gia - nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Doanh nghiệp Việt phải làm gì trước tình hình này?

“Đây là thách thức mà các DN VN không được sợ và phải đối mặt. Phải có tâm thế cạnh tranh, chứ đừng lo sợ co cụm lại theo kiểu chống chọi bị động và đơn lẻ”, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN - nhấn mạnh.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để đối phó với tình hình mới, vì vậy, khi Vingroup và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao có chương trình liên kết DN Việt vì quyền lợi doanh thương và người tiêu dùng thì ngay lập tức 250 DN đã ký kết tham gia. Việc hình thành một cộng đồng DN sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, xây dựng những thương hiệu mạnh cho hàng Việt, tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng đảm bảo chất lượng cho người Việt.

Trong những DN đầu tiên tham gia ký kết và triển khai chương trình đã có sự góp mặt của đủ các ngành hàng tiêu dùng cơ bản: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, thời trang... Điều này cũng phản ảnh một thực tế của các DN Việt là tuy sản xuất kinh doanh ở những ngành hàng khác nhau, nhưng đều có chung nhu cầu và sẵn sàng tham gia một sân chơi công khai về chất lượng, cạnh tranh về giá cả... để có thể nâng cao vị thế sản phẩm của mình nói riêng và hàng Việt nói chung.

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - chia sẻ: “Tập đoàn và các công ty thành viên gồm Vincommerce, Vincom Retail, VinEco, VinDS sẽ triển khai các gói giải pháp hỗ trợ như ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của DN trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup”.

Theo ông Hiệp, một số DN sẽ được tư vấn về công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hóa và tham gia góp vốn nâng cao hiệu quả trong vòng một năm.

“Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây... sẽ được hưởng chiết khấu bằng 0% khi tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn”, ông Hiệp khẳng định.

Rõ ràng là với siêu hỗ trợ chưa từng có tiền lệ là chiết khấu 0%, DN Việt có cơ may rất lớn để nâng cao vị thế hàng hóa và sự cạnh tranh so với chủng hàng đang tràn ngập là hàng TQ ngoài thị trường và hàng Thái trong siêu thị.

Điều kiện kinh doanh… gây khó doanh nghiệp

Ngoài việc phải đối phó với tình thế gọng kềm bởi 2 ông khổng lồ về bán lẻ là TQ và Thái Lan, DN Việt còn lao đao bởi các thủ tục nội tại đầy rắc rối.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nói với truyền thông rằng, Chính phủ kiên quyết tháo gỡ các rào cản DN đang núp bóng dưới tên gọi mỹ miều là điều kiện kinh doanh. “DN họ đã rất khổ rồi, điều kiện kinh doanh có quá nhiều. Theo Luật Đầu tư, có 267 ngành nghề, giờ phải xem có bao nhiêu điều kiện, chẳng hạn có tới 1.000 điều kiện thì ngồi lại rà soát xuống còn 800 rồi giảm tiếp còn 200. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định một cách cơ học. Lúc đó sẽ là hành chính hóa, sợi dây trói DN sẽ càng chặt hơn”, ông Hà nói.

Hàng nghìn giấy phép con, thủ tục hành chính nặng nề chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến những chi phí không chính thức mà DN phải chịu quá lớn. Ông Hà nhấn mạnh, trong nghị định có 10 điều kiện thì kiên quyết giảm về một hoặc có thể về 0. Tất cả những việc làm này nhằm phá vỡ mọi rào cản kinh doanh, khẳng định tinh thần đổi mới của Chính phủ.

Để tồn tại và phát triển, biến thách thức thành cơ hội phát triển, Chính phủ phải tháo gỡ những rào cản về thủ tục cho DN đồng thời DN cũng phải từ bỏ thói quen “ăn xổi ở thì”, sản xuất co cụm mình mà phải chăm chút chất lượng sản phẩm và cùng liên kết vì quyền lợi người tiêu dùng mà mô hình do Vingroup đề ra là phép thử đầu tiên đầy thử thách.

Theo Hoàng Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên