MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xác sống đang "ăn thịt" kinh tế châu Á

03-04-2017 - 13:46 PM | Tài chính quốc tế

Bất cứ người hâm mộ dòng phim về Zombie nào cũng đều biết rằng, xác sống tốt hơn hết là một cái xác theo đúng nghĩa nên đừng cố mang nó trở về bởi nó sẽ chỉ ăn thịt bạn mà thôi.

Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách chưa xem nhiều những bộ phim về Zombie. Lo ngại về số người thất nghiệp và các khoản nợ, chính phủ và ngân hàng khắp châu Á tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính để giúp các công ty làm ăn trì trệ - hay còn được gọi là doanh nghiệp Zombie – tiếp tục thoi thóp. Người ta hy vọng chúng sẽ trở nên vững mạnh khi tăng trưởng được phục hồi.

Nhưng thực tế, những công ty này đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, lãng phí nguồn lực, làm giảm năng suất lao động và vì thế, chúng ngăn chặn sự phục hồi, vốn được kỳ vọng để giữ cho chúng còn tồn tại.

Hãy nhìn vào một ví dụ điển hình xảy ra ngay tại Hàn Quốc, khi người ta đang nỗ lực giúp công ty Cơ khí và Đóng tàu Daewoo tồn tại. Vào ngày 23/3, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hàn Quốc, hai ngân hàng quốc doanh, đã đồng ý để Daewoo vay khoản tiền 2,6 tỷ USD và hoán chuyển nợ thành cổ phần để ngăn ngừa nợ xấu.


Hỗ trợ tài chính các công ty làm ăn trì trệ đang là vấn đề xảy ra ở cả châu Á.

Hỗ trợ tài chính các công ty làm ăn trì trệ đang là vấn đề xảy ra ở cả châu Á.

Tuy nhiên, ngay sau khi các khoản vay được công bố, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu Daewoo phá sản, sự mất mát với nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ vô cùng lớn vì toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu có thể sụp đổ trong khi các tổ chức tài chính sẽ phải đối mặt với nhiều tổn thất hơn nữa.

Trên thực tế, Đóng tàu Daewoo đang chìm trong khủng hoảng khi ngành đóng tàu toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy giảm tăng trưởng và thương mại toàn cầu. Không lâu trước đó, một công ty khổng lồ của Hàn Quốc trong lĩnh vực vận tải biển, Hanjin Shipping Co. Ltd, đã phá sản trong năm 2016. Các chủ nợ của Daewoo có lẽ hy vọng vào khoản cứu trợ có thể giúp công ty đủ tồn tại đến khi ngành đóng tàu được cải thiện.

Đây là kịch bản quen thuộc. Chưa tới 2 năm trước, Đóng tàu Daewoo nhận được khoản cứu trợ tương tự. Nhìn lại quá khứ, Daewoo bắt đầu cuộc sống – nếu bạn gọi đó là sống – từ một xưởng đóng tàu dang dở, mắc kẹt trong vấn đề tài chính. Chính phủ Hàn Quốc miễn cưỡng tạo ra tập đoàn Daewoo trong năm 1978. Sau đó, khi Daewoo sụp đổ trong Khủng hoảng Tài chính cuối những năm 1990, Đóng tàu Daewoo được kéo ra khỏi đống đổ nát và tách thành một công ty độc lập năm 2000 với một thỏa thuận hoán chuyển nợ thành cổ phần khác.

Chắc chắn, sẽ có những cái giá phải trả khi buộc công ty như Daewoo phá sản. Nhiều công nhân sẽ mất việc, ngân hàng mắc kẹt với nợ xấu và chi phí phải bỏ ra có thể lớn hơn so với việc giữ lại các doanh nghiệp zombie. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhấn mạnh, doanh nghiệp xác sống gặp khó khăn trong việc trả lãi các khoản nợ, yếu tố gây ra hiện tượng tăng năng suất chậm, kéo theo tăng trưởng chậm ở các nước phát triển.

Các công ty Zombie cướp đi cơ hội của các doanh nghiệp khỏe mạnh trong nỗ lực mở rộng thị trường, biến thành rào cản của các công ty mới và trẻ và cuối cùng là làm giảm nguồn vốn đầu tư. Tác giả của công trình nghiên cứu còn chỉ rõ, tại 34 quốc gia tham dự diễn đàn OECD, sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp Zombie trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 có liên quan tới mức 2% lỗ hổng trong đầu tư và 0,7% về tỷ lệ việc làm. Tăng trưởng ít ỏi và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là điển hình của sự nghèo khó, phục hồi sau khủng hoảng cũng như những cơ hội bị bỏ lỡ và gây ra tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư.

Kết quả cho thấy, số lượng lớn tài nguyên bị mắc kẹt trong những doanh nghiệp xác sống ngày càng tăng từ giữa những năm 2000. Cùng với đó, ngày càng có nhiều những doanh nghiệp làm ăn lẹt đẹt, tồn tại bên rìa lối thoát của thị trường bị tắc nghẽn và gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp năng suất cao hơn.


Ngành thép của Trung Quốc vẫn còn nhiều doanh nghiệp yếu kém cần loại bỏ.

Ngành thép của Trung Quốc vẫn còn nhiều doanh nghiệp yếu kém cần loại bỏ.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng họ có thể thách thức thị trường. Tại Trung Quốc, các quan chức chính phủ nhiều lần phá vỡ lời hứa tiêu diệt các doanh nghiệp xác sống trong các ngành sản xuất dư thừa và nợ lớn. Trong lĩnh vực thép, một trong những ngành kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, năng lực hoạt động theo ước tính thực sự đã tăng lên vào năm 2016. Dù số doanh nghiệp phá sản đang gia tăng nhưng số lượng những công ty ốm yếu vẫn còn rất lớn.

Ông Fan, một nhà kinh tế học tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, gần đây ước tính rằng 10% các công ty niêm yết ở Trung Quốc đủ tiêu chuẩn để bị coi là một doanh nghiệp xác sống. Chưa dừng lại ở đó, bản thân Fan cũng cho rằng con số ông đưa ra là khiêm tốn so với thực tế của vấn đề.

Bằng cách lãng phí tiền cho các doanh nghiệp đang hấp hối và thêm vào những khoản nợ khó đòi trong nhóm doanh nghiệp này, Trung Quốc đang giữ lại công ăn việc làm bằng cách hy sinh sự tăng trưởng, việc làm và những đổi mới mà nền kinh tế sẽ cần trong tương lai.

“Các doanh nghiệp Zombie đang kéo lùi sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc. Sự tồn tại của chúng ngăn cản các nguồn lực tái phân bổ đến với các ngành công nghiệp hiệu quả cao hơn, tạo ra một sân chơi không đồng đều”, một chuyên gia của Đại học Renmin nhấn mạnh.

Những gì đang diễn ra ở châu Á có thể trở thành bài học với Mỹ. Trong nỗ lực nhằm khôi phục sản xuất trong nước, Tổng thống Donald Trump phải cẩn thận để những quyết sách của chính phủ không làm thay đổi quyết định của thị trường. Việc áp đặt thuế cao để chống lại hàng hóa sản xuất ở nước ngoài và giữ công ăn việc làm ở lại nước Mỹ có thể tạo ra những doanh nghiệp xác sống - hoặc cái gì tương tự như thế - chỉ có thể tồn tại dưới sự bao bọc của chính phủ.

Bằng cách ngăn chặn công việc bị mất, ông Trump có thể mang lại việc làm cho một số người nhưng lại tạo gánh nặng lên vai người tiêu dùng bởi sản phẩm giá cao. Kéo theo đó, các cổ đông cũng chịu thiệt khi doanh thu của công ty giảm. Nó sẽ là một bộ phim kinh dị thực sự với các nền kinh tế, khi Zombie sẽ luôn tạo ra nhiều Zombie hơn.

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên