MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xoay xở thưởng Tết

Dây chuyền may tại Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng).

Dây chuyền may tại Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng).

Mặc dù gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng đa số các doanh nghiệp sẽ cố gắng thưởng Tết cho người lao động tối thiểu 1 tháng lương cơ bản.

Thưởng Tết tối thiểu 1 tháng lương

Thời gian qua, Công ty TNHH May mặc Dony ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) hoạt động gần như không có lợi nhuận, để đảm bảo thu nhập cho công nhân. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty cho biết, dù còn khó khăn về công nợ nhưng công ty vẫn có phương án thưởng Tết. Mức thưởng khiêm tốn một tháng hoặc nửa tháng lương, tùy thuộc vào tài chính trong thời điểm trả thưởng là sự nỗ lực lớn của đơn vị.

Bà Lê Ánh Nguyệt (quê Trà Vinh), công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) bày tỏ, Tết năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thưởng Tết có bị giảm so với trước. Năm nay, doanh nghiệp lại khó khăn về đơn hàng nhưng bà vẫn nhận được thông báo mức thưởng bằng 1 tháng cơ bản.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean thông tin, doanh nghiệp cố gắng thưởng một tháng lương cho người lao động trong dịp cuối năm. Tính trung bình mỗi công nhân nhận được dưới 10 triệu đồng. Các năm trước thưởng Tết còn có khoản thưởng lao động xuất sắc nhưng năm nay công ty cũng cắt giảm, duy trì chi thêm tiền thưởng từ công đoàn hoặc đối với cán bộ quản lý thì thêm mỗi người 1 triệu đồng.

Mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhưng Việt Thắng Jean cũng cố gắng xoay xở tổ chức thêm “Chuyến xe mùa xuân” để đưa công nhân về quê đón Tết. Tuy nhiên, năm nay chỉ có khoảng 10% công nhân đăng ký, những năm trước đó có đến 30 - 35% người đăng ký về quê.

“Thưởng ít, cộng với khó khăn chung nên người lao động đa phần ở lại đón Tết, tiền thưởng Tết dành dụm chuyển về quê cho người thân”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Việt Thắng Jean, từ quý 3 trở lại đây, đơn hàng của đơn vị giảm 50% ở thị trường EU, Hoa Kỳ; mặt hàng jean cũng giảm khoảng 70 – 80%. Đơn vị liên tục tìm kiếm thị trường mới bù lại các thị trường xuất khẩu sụt giảm, đồng thời quay về thị trường nội địa để giữ việc cho người lao động.

Còn một số doanh nghiệp khác, mức thưởng Tết của người lao động vẫn tăng so với năm ngoái. Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Dự kiến mức thưởng Tết 2022 bình quân 2,2 tháng lương/người, tăng hơn so với năm ngoái. Chúng tôi cũng dự báo năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng người lao động vẫn luôn là tài sản quý nhất của doanh nghiệp”.

Tại Tổng công ty May Hưng Yên, dù không còn cảnh tăng ca tấp nập cuối năm, người lao động chỉ làm giờ hành chính, duy trì sản xuất, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết định thưởng Tết cho người lao động bằng 2 tháng thu nhập trung bình.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là thưởng Tết. Năm nay dù suy giảm đơn hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lương tháng thứ 13 tăng 5-6% so với năm ngoái.

Các ngành sử dụng nhiều lao động là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta vẫn có thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng cơ bản cao hơn năm trước. Nhưng trên toàn thị trường lao động thì mức thưởng Tết sẽ giảm, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Duy trì sản xuất, chăm lo đời sống người lao động

Đang gặp khó khăn về đơn hàng khiến hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sambu Vina Sports (sản xuất các loại vali, túi xách; đóng tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, công ty không tăng ca và đến giữa tháng 11/2022, công nhân được bố trí nghỉ luân phiên thứ bảy (2 tuần/lần).

Để giữ chân người lao động, Tết Nguyên đán năm nay, công ty vẫn quyết định duy trì khoản thưởng bằng mọi năm là 1 tháng lương. Bên cạnh đó, Công đoàn công ty cũng tặng mỗi người 1 phần quà, gồm quà và tiền mặt trị giá 600.000 đồng.

Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cố gắng với mức thưởng Tết là 1 tháng lương thực lĩnh (khoảng 9 triệu đồng/người) để động viên công nhân. Công đoàn công ty cũng sẽ có thêm phần quàTếtvàlìxìđầunăm 500.000 đồng/người.

“Dịp Tết năm nay, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc vinh dự được Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh chọn là địa điểm tổ chức chương trình “Tết sum vầy” dành cho 400 gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết, trong đó có 200 gia đình công nhân đang làm việc tại công ty tham dự. Đây là chương trình ý nghĩa và có giá trị động viên tinh thần rất lớn đối với công nhân tại công ty và các doanh nghiệp lân cận trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty bày tỏ.

Tại Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), do đơn hàng sụt giảm từ 20%-30%, nên ban giám đốc không tổ chức tăng ca như trước nhưng bảo đảm không công nhân nào bị mất việc. Năm nay, công ty cố gắng giữ mức thưởng Tết cho công nhân từ 1,8-2,2 tháng lương/người, tương đương mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng. Công đoàn cũng tặng quà Tết cho tất cả người lao động.

Ngay từ đầu năm 2022, các công ty sợi, dệt thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đối mặt với nhiều khó khăn về đơn hàng, đỉnh điểm là từ quý III/2022 khi đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ Công đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp phía Nam với khoảng 50.000 lao động vẫn thưởng Tết từ 1 - 1,5 tháng lương cho công nhân.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, năm nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì tháng lương thứ 13, một số doanh nghiệp đã đưa nội dung này vào thỏa ước lao động hoặc các quy chế nội bộ. Nhưng một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút, thậm chí không đảm bảo được việc trả lương, do vậy, việc thưởng Tết chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng trên 1.000 doanh nghiệp, với sự vào cuộc của các cấp công đoàn có thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, thậm chí có những khoản tiền hỗ trợ nhất định để đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết”, ông Lê Đình Quảng cho biết.

Cuối năm cũng là thời điểm dễ phát sinh những tranh chấp, bất ổn lao động liên quan đến việc lao động bị nợ lương, không có tiền thưởng. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Đình Quảng cho biết, các tổ chức công đoàn tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình thưởng Tết, trả lương và các chính sách khác của doanh nghiệp với người lao động. Các tổ chức công đoàn cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy chế thưởng nhằm động viên người lao động, cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để làm sao việc thưởng trở thành động lực, động viên người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu năm nay có thể là hòa vốn nhưng phải giữ được ổn định và phát triển, giữ người lao động và giữ được thị trường, khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bắt đầu thắt hầu bao, kiểm soát mọi khoản chi phí đầu vào để hạn chế tối đa tăng chi phí tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh: TP Hồ Chí Minh hiện có 155 doanh nghiệp giảm đơn hàng, 50.157 người lao động ảnh hưởng, thu nhập của người lao động bị giảm sâu. Doanh nghiệp khó khăn, dự báo Tết năm nay, có những doanh nghiệp sẽ không có tiền thưởng tết, lương tháng 13...

Cách thức chăm lo Tết năm nay sẽ không đơn thuần là hỗ trợ có tính chất thời điểm mà cần có một số giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp liên ngành. Đơn cử như việc áp dụng chính sách khẩn cấp. Theo đó, có thể hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho đến tăng cường thêm hoạt động kết nối việc làm hay tiến hành đào tạo lại cho người lao động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng phải tính toán, cân nhắc về một chính sách dự phòng bên cạnh chế độ phúc lợi hiện có.

Theo Nhóm PV

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên