MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

13 tiêu chuẩn của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp

15-09-2013 - 22:30 PM | Doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN.

Quy chế sau khi được ban hành sẽ góp phần quản lý tốt hơn phần vốn của nhà nước đầu tư tại DN.

Các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty, công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty cổ phần được chuyển đổi từ cổ phần hóa DN nhà nước vận dụng Quy chế này để xây dựng Quy chế hoạt động đối với người đại diện theo ủy quyền tại DN có vốn góp của mình.

Theo đó, chủ sở hữu phần vốn nhà nước thực hiện việc ủy quyền cho người đại diện theo hình thức quyết định phân công công tác đối với cán bộ, công chức hoặc hợp đồng ủy quyền đối với viên chức quản lý tại DN hoặc hợp đồng thuê ngoài. Chủ sở hữu phần vốn nhà nước có trách nhiệm nêu rõ trong văn bản ủy quyền đối với người đại diện để thực hiện các quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, cụ thể: Giao nhiệm vụ cho người đại diện; đánh giá hoạt động của người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện và quyết định mức tiền lương, tiền thưởng, thù lao trả cho người đại diện theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong trường hợp ủy quyền cho từ 2 người đại diện trở lên thì chủ sở hữu phần vốn nhà nước phải giao cho một người trong số các người đại diện thực hiện trách nhiệm phụ trách chung (gọi tắt là người đại diện phụ trách chung) để lập kế hoạch công tác, phân công, phối hợp công việc của các người đại diện trong thực hiện nhiệm vụ.

Dự thảo Quy chế cũng nêu rõ 13 tiêu chuẩn cho người đại diện. Trong đó, đáng chú ý, người đại diện phải không tham gia góp vốn thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành DN hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với DN mà người đó được ủy quyền làm người đại diện, trừ trường hợp các DN đó có vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ sở hữu phần vốn nhà nước.

Ngoài ra, không là vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý DN có vốn nhà nước và của người có thẩm quyền quyết định việc ủy quyền người đại diện đối với phần vốn nhà nước; không có quan hệ góp vốn tại DN có vốn nhà nước; cho vay vốn, ký kết hợp đồng mua bán với DN có vốn nhà nước mà người đó được ủy quyền làm người đại diện phần vốn nhà nước, trừ trường hợp có cổ phần được mua theo quy định của pháp luật khi DN nhà nước cổ phần hóa.

Quyền và trách nhiệm của người đại diện cũng được quy định cụ thể hơn. Người đại diện phải xin ý kiến và được chủ sở hữu phần vốn Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định trong một số trường hợp cụ thể.

Người đại diện có nghĩa vụ thường xuyên thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lập báo cáo giám sát tài chính. Đồng thời, thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu phần vốn nhà nước về tình hình DN hoạt động thua lỗ; không đảm bảo khả năng thanh toán; đầu tư không đúng mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

Theo T.Th

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên