MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

140.000 doanh nghiệp "treo": Gian nan đường… yên nghỉ

12-06-2014 - 16:59 PM | Doanh nghiệp

Hiện, giữa ngành ĐKKD và ngành thuế đã hình thành kênh liên thông thông tin, nhưng trong vận hành, kênh này chỉ "chạy"… một chiều.

Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) vừa ước tính, hiện có khoảng 140.000 doanh nghiệp không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa thực hiện giải thể, phá sản...

Tuy nhiên, số lượng 140.000 doanh nghiệp ấy có thể không đáng chú ý bằng việc Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh phải "ước tính" ra nó. Và vì sao cơ quan đăng ký kinh doanh phải ước tính số doanh nghiệp ngừng hoạt động mới là vấn đề cần làm rõ.

Khấp khểnh liên thông

Về nguyên tắc, ngành ĐKKD chỉ là cơ quan theo dõi số doanh nghiệp thành lập mới, chứ không phải là cơ quan theo dõi số doanh nghiệp dừng hoạt động, vì việc theo dõi doanh nghiệp hoạt động, hay không hoạt động là chức năng của cơ quan thuế, hoặc cơ quan công an.
Do vậy, có thể hiểu việc cơ quan ĐKKD công bố thông tin về số doanh nghiệp ngừng hoạt động chỉ là kết quả thống nhất số liệu giữa liên ngành thuế, công an, với ĐKKD. Trong đó, đương nhiên ngành ĐKKD chỉ có số liệu công bố trên cơ sở dẫn nguồn từ thuế, hoặc công an.
Theo một cán bộ phòng ĐKKD Hải Phòng, "cơ chế" thông tin để có thể xác nhận một doanh nghiệp đã dừng hoạt động hiện rất đơn giản, nhưng không hiểu sao lại vô cùng chậm trễ, thiếu chính xác.

Hiện, giữa ngành ĐKKD và ngành thuế đã hình thành kênh liên thông thông tin, nhưng trong vận hành, kênh này chỉ "chạy"… một chiều. Theo quy định, khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ ĐKKD thành lập doanh nghiệp mới, thông tin thành lập doanh nghiệp sẽ được cấp sang cơ quan thuế và công an để thực hiện thủ tục cấp mã số thuế và con dấu.

Ngành thuế và công an mặc định có đủ tài nguyên thông tin về doanh nghiệp từ cơ quan ĐKKD. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ quan ĐKKD không có cách nào truy cập tài nguyên thông tin doanh nghiệp đã ngừng hoạt động từ cơ quan thuế.

Tình huống thực tế tưởng nhỏ này đem lại khá nhiều rắc rối cho cơ quan ĐKKD khi theo dõi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động. Vì muốn có thông tin, họ phải… xin – hiểu theo nghĩa đen của từ này – thông tin của ngành thuế.

Trong đó, Cục Thuế địa phương là nơi phải cấp thông tin doanh nghiệp ngừng hoạt động cho cơ quan ĐKKD. Nhưng do ngành thuế tại các địa phương hiện tổ chức thành các chi cục nhỏ tại cấp quận, huyện, mà vô hình trung việc tập hợp số liệu bỗng thành phức tạp, kéo dài. Và thế là cơ quan ĐKKD cứ thế phải chờ.

Kết quả là dưới sức ép công bố thông tin, số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể do cơ quan ĐKKD công bố dường như chưa bao giờ chính xác, vì thông tin cập nhật từ các địa phương luôn luôn chậm.

"Nhiều khi vì thiếu, chúng tôi chỉ xin số lượng doanh nghiệp còn nộp báo cáo thuế từ các chi cục thuế quận huyện, rồi lấy tổng số doanh nghiệp có ĐKKD trừ đi số doanh nghiệp này, để ra số doanh nghiệp… ngừng hoạt động" – vị cán bộ ngành ĐKKD phân trần, và cho biết bản thân ông cũng chưa bao giờ tin tưởng vào số liệu doanh nghiệp ngừng hoạt động do chính ngành mình công bố.

"Chết" quan trọng hơn… sống

Nếu như số doanh nghiệp thành lập mới là chỉ số cho thấy niềm tin kinh doanh của một địa phương, một quốc gia, thì số doanh nghiệp dừng hoạt động lại là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế địa phương, quốc gia ấy.

Đương nhiên, chất lượng doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế bao giờ cũng có tầm quan trọng hơn hẳn chỉ số niềm tin kinh doanh. Nhìn từ góc độ này sẽ thấy việc không có phương án xác định số doanh nghiệp dừng hoạt động – dù chỉ là số chính xác tương đối – đem lại khá nhiều thiệt hại.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, giai đoạn 2011 – 2013, có khoảng 60.700 doanh nghiệp dừng hoạt động. Nhưng hết 5 tháng của năm 2014, đã có khoảng gần 27.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số liệu này có là sự "thống nhất" giữa cơ quan thuế với ngành ĐKKD hay không thì lại là chuyện khác. Vì bên cạnh việc công bố thông tin chính thức, thì chính lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng phải than phiền về thực tế là hiện có lượng rất lớn doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng vẫn chưa thực hiện thủ tục, với số ước tính khoảng 140.000 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục dừng đã gây thiệt hại thực tế, theo đó, Nhà nước thất thu nhiều loại thuế không thu hồi được, và người lao động trong doanh nghiệp ấy cũng có thể bị chiếm dụng lương, thưởng, các quyền lợi cơ bản khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Cho đến nay, chưa có thống kê số tuyệt đối về các khoản nợ thuế của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động đối với Nhà nước, lại càng thiếu hơn số thống kê về lao động mất việc, mất tiền do doanh nghiệp dừng hoạt động. Nhưng chắc chắn, số thiệt hại là rất lớn.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiện nếu để thực hiện thủ tục giải thể, phá sản, doanh nghiệp phải mất từ 3 – 5 năm. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp không thiết mở thủ tục dừng hoạt động.

Do vậy, tháng 3 - 2014, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các cơ quan chức năng phải tiến hành cải tiến thủ tục, mục tiêu đặt ra là tới năm 2015, các quy trình, hồ sơ và thủ tục phá sản doanh nghiệp phải rút xuống không quá 30 tháng.

Tuy nhiên, từ nay tới thời điểm ấy chỉ còn có một năm rưỡi nữa, không hiểu liên ngành thuế, công an, ĐKKD sẽ thực hiện yêu cầu này thế nào, khi rất nhiều năm trước đó, họ chẳng thể tạo được dù chỉ là kênh liên thông thông tin doanh nghiệp hai chiều.

>> Hơn 21.000 doanh nghiệp rời thị trường

DN "treo" tổn hại tới môi trường kinh doanh
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
------------------------------------
Trong 140.000 doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các đơn vị lâm vào tình trạng phá sản do không thể thanh toán hết các khoản nợ, dẫn tới không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình giải thể. Bên cạnh đó, để thực hiện được quy trình theo đúng Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp cũng phải mất 3-5 năm mới hoàn tất thủ tục. Điều này dẫn tới tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế.
Tồn tại nhiều doanh nghiệp "treo" dẫn tới Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm hại quyền lợi và làm sai lệch các thông tin thống kê, ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh.

 

Khai sinh thì dễ, khai tử thì… bỏ bẵng
Luật sư Phạm Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội
------------------------------------
Việc quy định chưa cụ thể thời hạn chốt các thủ tục thuế dẫn đến mất nhiều thời gian làm thủ tục giải thể, gây ra tình trạng doanh nghiệp "treo", người đại diện pháp luật không đủ kiên nhẫn để tiến hành các thủ tục đóng cửa mà bỏ mặc doanh nghiệp. Hiện nay đang tồn tại thực tế doanh nghiệp khai sinh thì dễ, khai tử thì bỏ bẵng, xuất phát từ việc doanh nghiệp thấy rằng nếu bỏ qua thì không bị phạt, nhưng làm thì lại lắm thủ tục.

 

Sẽ qui định rõ và hợp lý hơn thủ tục giải thể DN
Chuyên gia Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương
------------------------------------
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ quy định rõ và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, bao gồm quyết định giải thể, công bố tình trạng doanh nghiệp đang giải thể, thanh lý tài sản và xóa tên doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Trong thời gian tạm đóng cửa, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ với khách hàng và người lao động.







Theo Từ Hải

thunm

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên