MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm nữa ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam mới có năng suất bằng Đài Loan

09-09-2014 - 11:06 AM | Doanh nghiệp

So sánh với các nước trong ASEAN và Trung Quốc thì năng suất sữa bò của Việt Nam đang cao hơn nhưng so với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì thấp hơn nhiều.

Ngày 09/09/2014, Hiệp hội Sữa Việt Nam và Hội Khoa học Công nghệ Lương thực thực phẩm Việt Nam tổ chức Hội thảo"Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm sữa vì sức khỏe cộng đồng". Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Vang (Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam) đã cho biết một số điều về ngành chăn nuôi bò sữa.

Sau 30 năm nữa, tức năm 2045, Việt Nam mới có năng suất sữa/bò/CK như Đài Loan hiện nay

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Việt Nam không phải là nước có lợi thế trong chăn nuôi bò sữa nhưng nếu so sánh với lãnh thổ, quốc gia như vùng Tesax của Mỹ, Đài Loan có nhiệt độ và ẩm độ không khí gần tương tự thì Việt Nam cũng có thể nuôi bò sữa đạt ở mức trung bình.

So sánh với các nước trong ASEAN và Trung Quốc thì năng suất sữa bò của Việt Nam đang cao hơn nhưng so với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì thấp hơn nhiều.

Theo dự báo của Hiệp hội chăn nuôi, sau 30 năm nữa, tức năm 2045, Việt Nam mới có năng suất sữa/bò/CK như Đài Loan hiện nay và có 1 triệu bò sữa với năng suất 6,7 tấn/CK. Nhờ đó tự túc cho tiêu dùng tối đa 60% và vẫn phải nhập khẩu 40%.

Để có đàn bò sữa tốt, quá trình chọn, tạo giống cần thời gian trên 100 năm. Chương trình nghiên cứu bò sữa của Việt Nam được thực hiện từ cuối những năm 1970, chủ yếu theo phương thức lai tạo HF với zebu. Nếu tính chặng đường 100 năm như các nước, phía trước của nền công nghiệp nuôi bò sữa còn trên 50 năm.

Sức mua sữa của Việt Nam vẫn rất thấp

Theo dự báo đến năm 2045, dân số Việt Nam là 113 triệu người nhưng sức mua sữa vẫn chưa bằng Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay.

Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa quy đổi khoảng 18 lít/người. Trong đó tự sản xuất 456.400 tấn sữa tươi (tương đương 5,1 lít/người/năm), chiếm 28%. Số còn lại là nhập khẩu với tổng giá trị nhập khẩu 1.089 triệu USD. Từ 2007 đến tháng 8/2014, Việt Nam đã nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa 5.724 triệu USD, tăng trưởng trung bình 14%/năm.

Nếu năm 2045, Việt Nam tiêu thụ/người bằng 60% của Nhật bản ngày nay (81,4 kg/người) thì cần 50 kg sữa quy đổi/người/năm.

Lợi thế từ nguồn thức ăn

Hiện tại cỏ voi đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thức ăn xanh cho bò sữa mặc dù lọai thức ăn này có dinh dưỡng thấp.

Theo ông Vang, một loại thức ăn đang được các doanh nghiệp lớn quan tâm là ngô non có bắp ngậm sữa chính là lợi thế của Việt Nam. Ngô non có bắp ngậm sữa giá trung bình 850 đồng/kg trong năm (dao động từ 750 – 950 đồng/kg). Một năm sản xuất 3 vụ thu hoạch được 150 tấ và đem lại doanh thu 125 triệu đồng/năm/ha. Các vùng trung du của Việt Nam có điều kiện thích hợp để trồng loại thức ăn xanh này.

Ngoài ra, thức ăn TMR là loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh chủ yếu trong tương lai đã được các DN lớn quan tâm ứng dụng.

Quy mô chăn nuôi còn thấp

Thống kê trên 14 tỉnh và 4 doanh nghiệp, năm 2013, quy mô chăn nuôi của Việt Nam trung bình là 9,3 con/hộ.

Con số này chỉ cao hơn của Indonesia (3 con/hộ) và thấp hơn của Đài Loan (126 con/hộ), Nhật (72 con/hộ), Mỹ (96 con/hộ) và Thái Lan (17 con/hộ).

Giá sữa thu mua khá cao

Giá sữa thu mua ở Việt Nam hiện nay khoảng 13.600 đồng/kg (tương đương 0,63 USD/kg). Đây là mức giá cao hơn so với các quốc gia khác như Mỹ, Canada nhưng thấp hơn các nước châu Á. Ví dụ, giá thu mua tại Nhật là 0,88 USD/kg; Canada 0,6 USD/kg; Mỹ là 0,45 USD/kg… Ở Đài Loan, giá bán sữa tại cổng trại là 0,75 – 1,01 USD/kg.

Theo công bố thông tin của CTCP Sữa Việt Nam (VNM), giá thu mua tại ngày 11/10/2011 của VNM là 11.000 đồng/kg. Giá thu mua tại ngày 4/9/2014 là 13.500 đồng/kg.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Vang, với mức giá thu mua như vậy, người chăn nuôi Việt Nam có lợi nhuận khoảng 20%.

Lan Nguyên

trangntm

Tài chính Plus

Trở lên trên