9 tháng, nhiều doanh nghiệp thủy sản lãi lớn
9 doanh nghiệp thủy sản báo lãi tổng cộng hơn 217 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014 cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ngành thủy sản trong quý 3 đã đón nhận nhiều tín hiệu tốt khi Nga công bố dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (vốn chiếm 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga); trong nước Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính đưa mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp từ 5% về 0%...
Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp ngành thủy sản niêm yết trên hai sàn chứng khoán vừa công bố KQKD quý 3/2014 và bức tranh 9 tháng đầu năm 2014 khả quan so với cùng kỳ.
Trong quý 3/2014, Thủy sản Bến Tre (ABT) thực hiện được 131 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2,6% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt mức 349 tỷ đồng, giảm 16.5% so cùng kỳ và đạt 63% kế hoạch năm (550 tỷ đồng). Lãi trước thuế 72 tỷ đồng, tăng 26% và đạt 90% kế hoạch (80 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ tương đương EPS đạt 5.358 đồng/CP.
Thủy sản An Giang (AGF) báo lãi ròng quý 3/2014 tới 23,5 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Theo đó lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 77% kế hoạch tương đương EPS đạt 2.928 đ/CP.
Theo giải trình của AGF, sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng mạnh do quý 3/2013 công ty phải hạch toán một khoản giảm giá hàng bán trên 5 tỷ đồng, sau khi hợp nhất (điều chỉnh lợi nhuận chưa ghi nhận do giao dịch nội bộ) lợi nhuận sau thuế giảm. Trong khi đó, quý 3/2014 công ty thu hoạch cá tự nuôi đưa vào chế biến với giá thành bình quân thấp hơn giá cá nguyên liệu trên thị trường cùng thời điểm 2013. Đồng thời, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014 cũng giảm từ mức 25% của năm 2013 xuống còn 22%.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, nhờ vào giá nguyên liệu ổn định và doanh số tăng, Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã ghi nhận lợi nhuận tăng vọt khi đạt 51 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm. Riêng quý 3/2014, doanh thu của FMC đạt 894,6 tỷ đồng, tăng 47% cùng kỳ. LNST đạt 16,43 tỷ đồng tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
Nhờ cắt giảm hầu hết các khoản chi phí phát sinh trong kỳ nên Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng trong quý 3/2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 603,4 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng LNST đạt gần 11,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ kinh doanh thua lỗ.
Chế biến Thủy sản Ngô Quyền (NGC) công bố KQKD quý 3/2014 khả quan với doanh thu đạt 78 tỷ đồng tăng 184% và LNST tăng 313% so với cùng kỳ do sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng đáng kể chủ yếu là các mặt hàng mực, Bạch tuộc và Surimi. Hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Lợi nhuận khác hơn 8 tỷ đồng là khoản thu hồi tiền bồi thường và hỗ trợ di dời Nhà máy Ngô Quyền sau khi trừ thuế TNDN.
Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của NGC đạt 9,5 tỷ đồng gấp gần 3 lần kế hoạch năm (3,2 tỷ đồng) tương đương EPS 9 tháng đạt 7.937 đ/CP.
Đầu Tư Thương Mại Thủy Sản (ICF) báo lãi quý 3/2014 gần 1,2 tỷ đồng nâng mức LNST 9 tháng đầu năm 2014 lên 4,53 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 9 tháng 2013 công ty lãi chưa đến 1 tỷ đồng.
Thủy Sản Số 1 (SJ1) cũng công bố tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2014, riêng quý 3 công ty lãi ròng hơn 1,7 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng LNST đạt 7,08 tỷ đồng tăng 107% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 1.268 đ/CP. Tuy nhiên tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của SJ1 so với các công ty thủy sản khác là ở mức thấp, kết thúc 9 tháng công ty mới chỉ hoàn thành được trên 60% kế hoạch LNTT.
Mặc dù quý 3/2014 Thủy sản Mê Kong (AAM) chỉ lãi ròng 254 triệu đồng giảm 87% so với cùng kỳ nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 công ty đạt 8,54 tỷ đồng LNST tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu lãi trước thuế 12 tỷ đồng thì kết thúc 9 tháng đầu năm 2014 công ty đã hoàn thành được 93,3% kế hoạch.
Trong số các doanh nghiệp thủy sản vừa công bố KQKD quý 3/2014 thì NTACO (ATA) là doanh nghiệp có lãi ít nhất, công ty này chỉ lãi 24 triệu đồng trong quý 3 và lũy kế 9 tháng LNST chỉ đạt gần 102 triệu đồng, nhưng lại là tín hiệu khả quan bởi cùng kỳ công ty lỗ 1,94 tỷ đồng.
Bức tranh chung của ngành thuỷ sản giai đoạn 9 tháng đầu năm khả quan, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đạt 5,75 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Các thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam trong 9 tháng 2014 đã có tốc tộ tăng khá cao, trong đó, sang Hoa Kỳ đạt 1,28 tỷ USD, tăng 26,8%; sang EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 27,1%; sang Hàn Quốc đạt 467 triệu USD, tăng 44,6%. Riêng thị trường Nhật Bản đạt 850 triệu USD, có mức tăng thấp hơn là 8,4%.
Thanh Tú
HNX&HSX