MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ con dấu doanh nghiệp: Nên hay không?

09-10-2014 - 17:22 PM | Doanh nghiệp

Việc phụ thuộc quá nhiều vào con dấu như hiện nay tồn tại nhiều bất hợp lý và gây ra không ít hậu quả đáng tiếc đối với doanh nghiệp.

Sáng nay (9/10), hội thảo “Con dấu của doanh nghiệp – Sự cải tổ cần thiết” do Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý trung ương tổ chức chỉ ra tồn tại, bất hợp lý và những hậu quả đáng tiếc đối với doanh nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào con dấu.

Theo báo cáo Doing Business 2014 của Ngân hàng Thế giới, Doanh nghiệp phải thực hiện 10 thủ tục với thời gian lên tới 34 ngày để khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam. Trong số đó, thủ tục liên quan đến con dấu mất ít nhất 6 ngày. Hiện nay, hầu hết các nước thu nhập cao trong khối OECD đã bãi bỏ con cấu trong các giao dịch của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, vai trò của con dấu đối với doanh nghiệp được quy định trong điều 36 – Luật Doanh nghiệp 2005 không những không đem lại sự đảm bảo chắc chắn cho các giao dịch, đồng thời con dấu còn dễ dàng bị làm giả và tạo nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói: “Thực ra yêu cầu thay đổi con dấu đã được đưa ra nhiều năm nay. Lần này thay đổi có thể nói bắt nguồn từ nhu cầu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo điều tra sơ bộ của VCCI, đại bộ phận doanh nghiệp đồng tình với thay đổi này”.

Nếu được thông qua, doanh nghiệp có thể tự quyết định vấn đề liên quan con dấu như khắc dấu, hình thù cũng như nội dung trên con dấu... và tương lai có thể bãi bỏ con dấu trong các giao dịch như mô hình ở các nước OECD.

Những cải cách liên quan đến con dấu trong điều 36 Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi được hy vọng sẽ góp phần hạn chế những bất cập do con dấu gây ra hiện nay, đồng thời thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.


Theo Nguyễn Hải

cucpth

VTV

Trở lên trên