MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

C21: Hủy niêm yết là "trốn chạy áp lực thị trường"?

13-04-2015 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

Cổ đông cho rằng, sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối mua lại CP là việc “con rắn ăn chính cái đuôi của mình”, việc “hủy niêm yết tự nguyện” là “trốn chạy áp lực thị trường”. Nhưng mấu chốt là HĐQT của C21 hoạt động “hơi khác” so với đa số công ty niêm yết.

Sáng ngày 11/04/2015 Đại hội cổ đông thường niên 2015 của CTCP Thế Kỷ 21 (MCK: C21) đã diễn ra thành công. Theo đó, tất cả các nội dung trình tại Đại hội đều được ĐHĐCĐ thông qua dù rất căng thẳng, tranh luận kéo dài cho nội dung “phương án hủy niêm yết tự nguyện”.

C21 cho rằng công ty hủy niêm yết tự nguyện vì: (i) qua 4 năm niêm yết, gần như cổ phiếu của C21 không có thanh khoản và dưới giá trị sổ sách; (ii) Công ty không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn….

Giá mua lại CP là 22.000 đồng/CP, tổng số CP công ty được mua lại theo quy định là 30% tổng số phaát hành – tương đương 5.800.000CP, hiện công ty đã có CPQ 1.000.000CP nên được phép mua 4.800.000 CP (bao gồm 200.000CP của các cổ đông sở hữu CP lẻ). Nguồn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Mặc dù không ít cổ đông chất vấn HĐQT xung quanh 2 lý do chính mà công ty đưa ra để hủy niêm yết tự nguyện là “thanh khoản” và “huy động vốn mới trên sàn” cũng như mức giá mua lại CP là 22.000 đồng/CP thấp hơn giá trị sổ sách của công ty (gần 28.000 đồng/CP). Tuy nhiên, chủ tọa đoàn trả lời lại không thể đưa ra được lý do thuyết phục.

Cổ đông cho rằng, việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối (tích lũy qua các năm) để mua lại CP của cổ đông là việc “con rắn ăn chính cái đuôi của mình”. Và việc “hủy niêm yết tự nguyện” là “cuộc trốn chạy áp lực thị trường”, “ban điều hành chưa làm việc hết mình trong công tác quan hệ nhà đầu tư, truyền thông….” bởi cổ đông sẵn sàng đồng hành cùng công ty. Theo cổ đông nhiều năm qua C21 chưa kêu gọi vốn từ cổ đông, nếu C21 kêu gọi vốn cổ đông sẽ góp thêm.

Cổ đông là thành viên HĐQT độc lập của công ty tỏ ra lo lắng việc hủy niêm yết và mua lại CPQ với khối lượng lớn sẽ tăng lợi ích cho các cổ đông lớn, những người nắm quyền kiểm soát công ty.

Trong khi đó, là đại diện cổ đông lớn nhất nhưng dường như không phải là người có quyền quyết định/kiểm soát công ty lớn nhất – Vietnam Property Holding (sở hữu 19%) cho rằng: C21 là công ty có quỹ đất hấp dẫn, ban lãnh đạo năng động trong đầu tư phát triển công ty. Tuy nhiên, HĐQT của C21 hoạt động hơi khác so với nhiều công ty niêm yết khác trên sàn. Dù vậy, nếu C21 hủy niêm yết tự nguyện chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ xấu, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Thế Lữ - đại diện Vietnam Property Holding đã kêu gọi các cổ đông nhỏ không nên “bỏ phiếu đồng ý” hủy niêm yết.

Cũng là một nhà đầu tư nước ngoài, quỹ Mutual Fund Elite nắm giữ hơn 6% cho rằng việc C21 “rời sàn” là một bước lùi và kém minh bạch. Quỹ đánh giá giá trị sổ sách thực tế của C21 phải cao hơn mức giá trị sổ sách hiện nay lên đến 40%. Tuy nhiên, thị giá CP là do cung cầu thị trường quyết định, cũng như trên Sở cũng có nhiều doanh nghiệp đang giao dịch dưới giá trị sổ sách của mình. Quỹ đề nghị C21 không hủy niêm yết.

Năm 2014, C21 đạt doanh thu thuần gần 208 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 37,5 tỷ đồng; cổ tức thực hiện 15%/mệnh giá bằng tiền trong đó công ty đã tạm ứng 7%/mệnh giá.

Năm 2015, C21 đặt kế hoạch doanh thu 111,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 18,3 tỷ đồng, cổ tức 10%/mệnh giá.

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

Trở lên trên