MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần làm rõ dấu hiệu chuyển giá tại Công ty Anco

02-12-2013 - 11:28 AM | Doanh nghiệp

Anco được thành lập từ năm 2001, đến năm 2003 trở thành liên doanh do cổ đông Malaysia lắm giữ 60% cổ phần, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Cty, chuyên về thức ăn gia súc.

Không sử dụng thủ đoạn “lỗ giả, lãi thật” như các tập đoàn kinh tế quốc tế hay doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị liệt tên trong danh sách “đen” nghi án chuyển giá, Cty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco, KCN Sông Mây, tỉnh Đồng Nai) làm ăn luôn có lãi, thậm chí còn lãi “khủng”. Thế nhưng, DN này từ lâu đã có dấu hiệu chuyển giá lớn từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào…

Lãi lớn vẫn chuyển giá?

Anco được thành lập từ năm 2001, đến năm 2003 trở thành liên doanh do cổ đông Malaysia lắm giữ 60% cổ phần, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Cty, chuyên về thức ăn gia súc. Năm 2012, Anco có tổng doanh thu hơn 6.182 tỷ, lợi nhuận đạt 644 tỷ đồng.

Thế nhưng, từ năm 2008 khi phía cổ đông Malaysia chính thức nắm quyền quản lý về thu mua nguyên liệu và tài chính của Anco, họ đã đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu mà hầu hết mua qua Cty Pro-Active Synergy SDH BHD tại Malaysia (đây là Cty riêng của vợ chồng ông Yew Kean Lai - Chủ tịch HĐQT Anco, đồng thời là hai cổ đông nắm giữ 55% cổ phần tại Anco). Những năm gần đây, giá trị hàng nhập khẩu của Anco khoảng 2.400 tỷ đồng với khoảng trên 10 mặt hàng các loại thì có đến 97% qua Cty trên. 

Khi kiểm tra, đã thấy được nhiều loại nguyên liệu do phía cổ đông Malaysia nhập về có những dấu hiệu giá cao bất thường: riêng mặt hàng khô dầu đậu tương (bã dầu nành) những năm gần đây Anco nhập khẩu khoảng từ 50 đến 60 nghìn tấn và giá nhập khẩu của các năm gần đây, đặc biệt là năm 2011 và 10 tháng đầu năm 2013 luôn cao hơn các DN khác nhập khẩu mặt hàng này có cùng chủng loại, xuất xứ từ 50 đến hơn 100 USD/tấn. Ngay cả giá khô dầu đậu nành được Anco nhập về cao hơn giá các DN khác mua bán tại Việt Nam hàng triệu đồng/tấn.

Không thể không đặt câu hỏi: chênh lệch giá nguyên liệu quá lớn tại Anco góp phần đẩy giá đầu vào nguyên liệu ngay từ nước ngoài vào Việt Nam để lợi nhuận “rơi” vào “túi” những cổ đông Malaysia?

Người chăn nuôi Việt thiệt hại nặng

Dấu hiệu chuyển giá đang được đẩy mạnh hơn vào những tháng đầu năm 2013, có những tháng mức giá chênh lệch vượt ngưỡng 100 USD/tấn. Cụ thể trong tháng 5, Anco mở hai tờ khai hải quan nhập khẩu 2.550 tấn khô dầu đậu tương từ Achentina qua cảng Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) với giá 630 USD/tấn. Tuy nhiên, tại bảng phân tích tổng hợp, dự báo hàng tuần chuyên ngành về chăn nuôi và vật tư nông nghiệp ra ngày 27/5 của Bộ Công Thương, hàng cùng chủng loại, xuất xứ Achentina được nhập về cảng Interflour tại Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ với giá từ 523 USD, giá nhập của Anco đã cao hơn so với trung bình là 107 USD/tấn. Như thế, hai lô hàng nhập khẩu trên đã chênh lệch 272.850 USD, tương đương gần 5,7 tỷ đồng Việt Nam.

Tương tự, tháng 6 Anco nhập tổng cộng ba đợt với 4.200 tấn khô dầu đậu nành với giá 630 USD/tấn, trong khi giá nhập về cùng thời điểm, cùng cảng Interflour chỉ từ 488 đến 518 USD/tấn. Nếu tính trung bình chênh lệnh khoảng 127 USD/tấn thì với số lượng đã nhập, số tiền chênh lệch khoảng 533.400 USD (tỷ giá USD tính thuế 20.828 VND), tương đương với 11,1 tỷ đồng Việt Nam.

Chỉ trong 2 tháng, việc nhập khẩu tại Anco đã chênh lệch lên tới 16,8 tỷ đồng, nếu như khoản chênh lệch được đưa vào lợi nhuận của DN thì thuế thu nhập từ hai tháng này Anco đã trốn được khoảng 4,2 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ đến hết tháng 10/2013, Anco đã nhập khoảng 52.000 tấn khô dầu đậu tương, giá trị khoảng 656 tỷ đồng và với kiểu chênh lệch giá như hiện nay, việc nhập khẩu đã trốn được hàng chục tỷ đồng từ thuế thu nhập DN?. Ngoài ra, còn hàng chục chủng loại mặt hàng được nhập khẩu qua Cty Pro-Active Synergy SDH BHD tại Malaysia, ai sẽ là người kiểm soát về giá?
Bên cạnh đó, dấu hiệu chuyển giá tại Anco của cổ đông ngoại còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của hai cổ đông Việt Nam. Trong đó, việc chênh lệch giá của tháng 5 và tháng 6/2013 của các cổ đông Malaysia lên đến 16,8 tỷ đồng thì tương ứng với số giảm của lợi nhuận DN. Với 40% cổ phần nắm giữ, sau khi trừ đi thuế thu nhập DN, 2 cổ đông Việt Nam bị chiếm dụng phần lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.

Thực tế, khô dầu đậu nành chiếm khoảng 10% khối lượng sản phẩm của Anco và với giá chênh lệch trên 100 USD/tấn nguyên liệu đầu vào như năm 2013, trên một đầu tấn thức ăn chăn nuôi do Anco sản xuất ra sẽ phải gánh thêm ít nhất là 10 USD (tương đương hơn 208 nghìn VND).

Trong 10 tháng đầu năm, Anco tiêu thụ khoảng 480 nghìn tấn sản phẩm và chỉ với việc chênh lệch giá nhập khẩu khô dầu đậu nành, cổ đông ngoại của Anco đã “ăn” của người chăn nuôi Việt Nam khoảng hơn 100 tỷ đồng và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.

thunm

Báo pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên