MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống bán phá giá: Doanh nghiệp Việt đòi sòng phẳng

15-06-2013 - 19:40 PM | Doanh nghiệp

Việc các DN Việt Nam biết sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại quốc tế cho thấy các DN đã trưởng thành hơn.

Sự kiện hai Cty TNHH Posco VST và Cty CP Hòa Bình Inox nộp đơn lên Cục Quản lí cạnh tranh Bộ Công Thương kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia vào đầu tháng 5 vừa qua đã tạo ra tiền lệ: Lần đầu tiên các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chính thức kiện chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu (NK).

Mặc dù, dư luận trong nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc các DN VN khởi kiện DN ngoại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể xem là một sự trưởng thành của các DN trong quan hệ thương mại quốc tế.

DN đã chủ động

Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, Cục đã nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của Cty TNHH POSCO VST và Cty cổ phần Hòa Bình Inox yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào VN từ 4 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Cty Hòa Bình Inox và Cty Posco VST là hai đơn vị đang chiếm tới 80% thị phần thép inox tại VN. Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Hòa Bình Inox cho biết, giá thép không gỉ cán nguội nhập nhập khẩu ở 4 nước trên đều thấp hơn giá bán trên thị trường VN, với mức khoảng 25%. Giá thép không gỉ cán nguội của các quốc gia trên giá bán rất cạnh tranh. Do được Chính phủ các nước hỗ trợ rất nhiều, nên giá bán của họ thậm chí ngay trong nội địa cũng dưới giá thành. Hai DN khởi kiện đề nghị áp thuế chống bán giá trung bình là 20% cho các đối thủ ngoại.

Theo Bộ Công Thương, việc điều tra sẽ có thể được tiến hành sau 60 ngày kể từ ngày nhận đơn. Như vậy, là quyết định có tiến hành điều tra hay không sẽ chính thức được đưa ra vào đầu tháng 7 tới. Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ rêng năm 2012, hàng VN xuất khẩu đã chịu đến 11 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp lẫn tự vệ.

Bà Nguyễn Thùy Dung – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết, đây là dấu hiệu tích cực. Việc các DN VN biết sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại quốc tế cho thấy các DN đã trưởng thành hơn. Mặc dù, quyết định có tiến hành điều tra hay không vẫn chưa được Bộ Công Thương công bố, nhưng điều này cho thấy các DN nội đang chủ động trong mối quan hệ sòng phẳng và ngang bằng của hoạt động thương mại quốc tế.

Cảnh giác với độc quyền

Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ của các DN đang sử dụng thép không gỉ cán nguội là nguyên liệu đầu vào thì lại đang mong có một sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn SunHouse lại cho rằng, khi áp dụng các chính sách bảo hộ thì cần phải cân nhắc đến tổng lợi ích của nền kinh tế chứ không chỉ quan tâm đến 1 - 2 ông DN. Các chính sách cần hướng đến việc DN sản xuất thép không gỉ cán nguội phải chủ động cải tiến công nghệ, tăng sức cạnh tranh. Nếu ưu ái quá thì sẽ "làm hư" các DN này, trong khi gây thiệt hại không nhỏ cho hàng trăm DN khác sử dụng nguyên liệu này.

Việc các DN Việt Nam biết sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại quốc tế cho thấy các DN đã trưởng thành hơn.

Thực tế, thời gian vừa qua, thuế nhập khẩu thép cán nguội không gỉ đã liên tục tăng từ 0%, 5% rồi nay là 10%. Nếu tiếp tục tăng nữa theo đề xuất của hai DN chiếm phần lớn thị phần thép không gỉ cán nguội trên thì sẽ khiến hàng chục DN khác khó khăn vì giá nguyên liệu quá cao.

Phản ứng trước đơn khởi kiện của hai DN sản xuất thép không gỉ cán nguội, hơn 20 DN sản xuất sử dụng inox đã có đơn gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương. Trong đơn, đại diện các DN cho rằng số liệu và căn cứ mà Cty Posco VST và Cty Hòa Bình Inox đưa ra là số liệu nhập khẩu năm 2012, khi mà Hòa Bình Inox còn chưa... lắp ráp xong dây chuyền sản xuất inox cán nguội, còn Posco VST mới bắt đầu cán thử vào cuối năm.

Đến nay, mặc dù Posco VST đã đi vào hoạt động với công suất lớn, nhưng theo các DN thì nhà máy này không thể cung cấp tất cả các chủng loại inox cán nguội, nên đòi hỏi đánh thuế tất cả các sản phẩm inox cán nguội là chưa hợp lý. Nhiều DN nhận xét, đây là đề nghị nhằm hướng tới sự độc quyền, thao túng thị trường VN.

Đại diện của Cty SunHouse dẫn chứng, từ đầu năm nay SunHouse phải ngừng nhập inox Đài Loan vì thuế, mặc dù inox Đài Loan có chất lượng tốt hơn. Từ khi sử dụng inox của Posco, năng suất sản xuất của chúng tôi bị giảm sút mạnh vì bề mặt inox nhăn khi gia công, phải mất nhiều thời gian để xử lý. Nhưng biết sao được, nhập ngoại với giá bao gồm thuế tăng 10% thì DN khó có thể còn lãi.

Ngoài hai DN chiếm đến 80% thị phần sản xuất thép không gỉ cán nguội trong nước, rất nhiều DN khác cũng sản xuất mặt hàng này nhưng chưa kêu ca gì và vẫn đang sản xuất ổn định. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cần phải xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Dưới biên độ sẽ không điều tra

LS Nguyễn Tiến Sơn Đoàn LS Hà Nội
Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá được xuất khẩu với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường nước xuất khẩu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bán phá giá trong thương mại quốc tế. Nhiều trường hợp việc bán phá giá có mục đích không lành mạnh như: bán phá giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường từ đó chiếm thế độc quyền; bán giá thấp tại thị trường nước nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần; bán giá thấp để thu ngoại tệ mạnh…Tuy nhiên, đôi khi việc bán phá giá là việc không mong muốn do nhà sản xuất, xuất khẩu không thể bán được hàng, cung vượt cầu, sản xuất bị đình trệ, sản phẩm lưu kho lâu ngày… nên đành bán tháo hàng hoá để thu hồi một phần vốn. Theo quy định của WTO và pháp luật nhiều nước, thuế chống bán phá giá có thể bị áp dụng mà không quan tâm đến lí do vì sao nhà sản xuất bán phá giá.

Bán phá giá thường bị coi là một hiện tượng tiêu cực do nó làm giảm khả năng cạnh tranh về giá và thị phần của sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bán phá giá có thể có tác động tích cực đối với nền kinh tế như: người tiêu dùng được lợi vì có thể mua hàng với giá rẻ hơn. Giá giảm có thể là động lực thúc đẩy ngành sản xuất trong nước tự đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực…

Thuế chống bán phá giá là khoản thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu thông thường, do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu ban hành đánh vào sản phẩm nước ngoài bị bán phá giá vào nước nhập khẩu. Thông thường mỗi nước đều có một hệ thống các quy định riêng về các điều kiện và thủ tục áp đặt thuế chống bán phá giá. Trên thực tế, nhiều nước áp dụng thuế này như một hình thức “bảo hộ hợp pháp” đối với sản xuất nội địa. Để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng biện pháp này, WTO đã quy định các quốc gia thành viên phải tuân thủ việc điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá trong Hiệp định về chống bán phá giá (ADA).

Đối với trường hợp khởi kiện của hai DN sản xuất thép không gỉ cán nguội đang có đơn tại Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương), sẽ được cơ quan này tiến hành xem xét trong thời gian 60 ngày như luật định. Nếu sau 60 ngày, Cục Quản lí cạnh tranh quyết định điều tra thì sẽ phải tiến hành theo các quy định của ADA.

Để áp dụng thuế chống bán phá giá theo ADA được xác định bởi ba điều kiện sau: Hàng nhập khẩu bị bán phá giá; Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể; Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên. Việc bán phá giá được xác định thông qua việc so sánh giữa giá thông thường và giá xuất khẩu. Trong đó, các giá này phải được đưa về cùng một cấp độ thương mại là giá xuất xưởng. Ngoài ra, đang lưu ý là cách tính biên độ phá giá gồm 5 bước: xác định giá xuất khẩu (XK), xác định giá thông thường (TT); Điều chỉnh giá XK và giá TT về cùng một cấp độ thương mại; So sánh giá XK và giá TT sau khi đã điều chỉnh để tìm ra biên độ phá giá; Tính biên độ phá giá bằng % của hiệu số so sánh trên giá XK. Nếu biên độ từ 2% trở xuống cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành điều tra.

Theo Bá Tú

thanhhuong

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên