MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện cũ - “mắc mớ” không cũ

19-10-2013 - 08:01 AM | Doanh nghiệp

Thay vì nhìn nhận lại mình nhiều DN lại chỉ thích... kêu cứu.

Chuyện thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông, thủy sản rộng khắp cả nước lại đang rộ lên. Nhưng thật ra, đây là câu chuyện quá cũ. Bởi những ai quan tâm theo dõi về vấn đề này đều dễ dàng nhận thấy hệ lụy trong việc mua bán “bất bình thường” chính là cả hai giới nông dân và DN đều thua thiệt.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn cho rằng, mặc dù VN đã XK nhiều mặt hàng chiến lược như lúa, gạo, điều, tôm, cá… ra nhiều thị trường trên thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa có một ngành hàng nào có chuỗi giá trị hoàn chỉnh và đồng bộ. Đây chính là kẻ hở để các thương nhân nước ngoài khai thác và “làm mưa – làm gió” suốt thời gian qua.

Mừng hay lo

Theo TS Sơn, xét về lợi ích kinh tế, việc các thương nhân Trung Quốc đến thu gom hàng nông, thủy sản thời gian qua khiến giá cả lên cao và tăng thu nhập cho người nông dân. Không chỉ vậy, họ nắm rõ thông tin mùa vụ, đến tận vùng nuôi, vùng nguyên liệu để đưa ra mức giá mua hợp lý, phương thức mua bán nhanh gọn theo phương thức thuận mua, vừa bán nên rất được lòng nông dân. 

Tuy nhiên, điều đáng buồn, thay vì các DN XK trong nước nhìn lại cách mà họ đã từng đối xử với các sản phẩm do người nông dân phải cực khổ tạo ra để từ đó xích lại gần nhau hơn, cùng chia sẻ lợi nhuận để hình thành các mối liên kết, hợp tác giữa DN với nông dân trong chuỗi ngành hàng thì các DN XK lại “la làng”, kêu cứu vì thiếu nguyên liệu đầu vào làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch đề ra của ngành? TS Sơn nói.

Qua trao đổi với báo DĐDN, các thương lái thu gom tôm cho biết họ thích bán cho thương nhân Trung Quốc hơn các DN trong nước vì lấy tiền mặt liền, hàng không bị phân loại.

Theo ông Trần Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Trung, việc các thương nhân nước ngoài vào thu gom tôm nguyên liệu với giá cao và mua bán nhanh chóng trước mắt là có lợi cho người nuôi tôm, là cơ hội để người nuôi thu lại vốn để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, điều ông Đức lo lắng là qua thông tin trên báo, đài, hiện tượng kỳ lạ của các thương lái thu mua đủ mọi thứ từ lá dừa, lá nhãn, nấm độc, đỉa, dứa non, khoai lang… rồi “lặn” mất, để lại những “bi kịch” cho địa phương.

Lập lại trật tự

Thay vì nhìn nhận lại mình nhiều DN lại chỉ thích... kêu cứu.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân sâu xa là do một phần các DN trong nước đã một thời làm ăn theo hướng “ăn xổi ở thì”, không quan tâm đến vùng nguyên liệu, việc thanh khoản trong mua bán lại chậm. Mọi khó khăn đều đẩy hết cho người nuôi, trồng. Và qua vấn đề này sẽ là một bài học cho các DN nên khắc phục những nhược điểm trong quy cách làm ăn cũ để liên kết, hợp tác cùng với nông dân và các vùng tôm nguyên liệu thành một chuỗi giá trị khép kín từ “vùng nuôi đến bàn ăn”.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc các thương nhân Trung Quốc vào VN và tiến hành các thương vụ mua bán nguyên liệu trong thời gian qua là chuyện bình thường trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, việc thu mua phải đúng theo luật pháp VN.

Theo luật sư Lê Phước Vinh, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Công Lý, thuộc đoàn luật sư TP  Cần Thơ, hiện để lách luật, các thương nhân Trung Quốc không trực tiếp thanh toán tiền trong thu mua mà liên kết, hợp tác với các thương lái VN nên rất khó xử lý. Phạt người dân thì không được vì họ không trực tiếp bán cho thương nhân nước ngoài. Phạt thương lái trong nước cũng không xong vì họ đã thỏa hiệp miệng, không hóa đơn, chứng từ. Trong khi các thương nhân nước ngoài vẫn ung dung sống do chính các “ke hở” trong mối liên kết trong chuỗi ngành hàng này còn khá lỏng lẻo. Và câu chuyện thương nhân nước ngoài thu gom nông, thủy sản vẫn chưa có hồi kết.    

Theo Quốc Chánh

thunm

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên