MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông nhờ SBA bán hộ 3,3 triệu cổ phiếu

18-07-2011 - 15:31 PM | Doanh nghiệp

Việc ủy quyền để Công ty bán hộ cổ phiếu SBA hiện được tiến hành đến đâu khi đến nay đã hết hạn Công ty nhận ủy quyền bán cổ phần từ cổ đông.

Đó là câu hỏi mà không ít cổ đông CTCP Sông Ba (SBA - sàn HOSE) đặt ra với lãnh đạo SBA gân đây.

Một số cổ đông cũng bày tỏ lo ngại về khả năng đồng vốn của mình ngày một teo đi cùng với đà giảm giá trên thị trường nói chung và cổ phiếu SBA nói riêng, nếu việc bán hộ này bất thành. Đồng thời, SBA có cam kết gì trong trường hợp không bán được cổ phiếu bằng mệnh giá, hay đây chỉ là lời hứa suông?

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Phạm Phong, Tổng giám đốc SBA cho hay, việc nhận uỷ quyền bán hộ cổ phiếu cho cổ đông xuất phát từ nhu cầu có thật của phía đối tác (đã đặt vấn đề mua cổ phiếu SBA với số lượng lớn để đầu tư dài hạn), cũng như nhằm hỗ trợ các cổ đông muốn thoái vốn và tính đến thời điểm này đã có trên 3,3 triệu cổ phiếu của cổ đông uỷ quyền cho Công ty bán hộ (trong đó có 1,3 triệu cổ phiếu của các tổ chức).

"SBA không làm PR và không hề hứa suông. Sau khi nhận được kết quả cuối cùng từ các cổ đông muốn bán cũng như đối tác muốn mua, SBA sẽ thông tin rộng rãi. Việc uỷ quyền để Công ty làm việc với đối tác thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng cổ phiếu uỷ quyền bán của cổ đông", lãnh đạo SBA nói.

Về e ngại của cổ đông về việc đồng vốn có thể bị teo đi, đại diện SBA lý giải, đồng vốn của cổ đông không bị mất đi đâu cả, bởi nếu cổ đông thật sự đã đầu tư dài hạn thì giá trị cổ phiếu đang được tích luỹ thông qua sự tăng trưởng về tài sản của SBA.

Một đề xuất của cổ đông liên quan đến phương án sử dụng dòng tiền trả nợ khi nợ gốc đã được giãn, đó là "Công ty nên sử dụng dòng tiền ấy gửi ngân hàng để tận dụng mức lãi suất cao, hưởng mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm (trên 10%) và lãi vay cố định của Công ty là 6%". Về đề xuất này, lãnh đạo SBA cho biết, việc được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chấp thuận cho giãn nợ vay là một nỗ lực rất lớn và SBA phải kiên trì làm việc từ 6 tháng trước đây (từ tháng 11/2010).

Việc giãn nợ này không phải để cho SBA dư một lượng tiền lớn gửi ngân hàng hay đầu tư dự án khác, mà để thanh toán vốn đầu tư Nhà máy Thủy điện Krông Hnăng. Ông Phong cũng cho biết, việc chi trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mới đây cũng làm cho SBA thiếu vốn, mặc dù các dự án đầu tư rất hiệu quả, nhưng dòng tiền thật thu về chỉ vừa đủ trả nợ vay trong những năm đầu khi các dự án mới đi vào hoạt động. Do đó, nếu không được giãn nợ vay thì SBA buộc phải đi vay thêm với lãi suất cao và thả nổi từ các ngân hàng thương mại để tiếp tục đầu tư và trả nợ vay cho VDB.

Theo Diệu Minh
ĐTCK

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên